Tài chính 24h: Hàng loạt ngân hàng ngoại muốn rút vốn khỏi Việt Nam, chuyện gì đang xảy ra?
Trong thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đã có động thái thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi một ngân hàng nội. Vậy, chuyện gì đang xảy ra với hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam?
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay.
Được biết, CBA Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB. Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB.
Như vậy, sau gần chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CBA đã bắt đầu có động thái chuyển giao. Theo một số chuyên gia, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng.
Trong những tháng gần đây, thị trường đã đồn đoán về khả năng sáp nhập giữa Sacombankvà LienVietPostBank khi ứng viên đầu tiên từ LienVietPostBank là ông Nguyễn Đức Hưởng (nguyên Phó chủ tịch LienVietPostBank) được đưa vào danh sách bầu HĐQT của Sacombank. Tuy nhiên ông Hưởng đã rút tên khỏi danh sách và quay trở lại LienVietPostBank.
Ngay sau đó ông Hưởng được bầu làm Chủ tịch của LienVietPostBank còn ông Dương Công Minh từ nhiệm vị trí Chủ tịch ngân hàng này.
Hiện vẫn chưa có sự giải thích chính thức nào cho những sự kiện diễn ra đồng loạt này. Tuy nhiên trên thị trường trước đó đã có tin đồn là ông Dương Công Minh đã từ nhiệm chức Chủ tịch LienVietPostBank để tham gia Sacombank trong dịp ĐHCĐ gần đây và có thể được bầu làm chủ tịch của Sacombank. Và kết quả bầu HĐQT của Sacombank tại ĐHCĐ vừa rồi một lần nữa làm dấy lên tin đồn về khả năng sáp nhập giữa 2 ngân hàng vào một ngày nào đó trong tương lai.
Các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,72% trong quý III/2017 và tăng trưởng 16,02% năm 2017, trong đó, VND: +16,59%, ngoại tệ: +1,14%. Huy động vốn VND vẫn đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung của toàn hệ thống trong khi huy động vốn ngoại tệ chỉ tăng nhẹ không đáng kể.
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5,09% (VND: +5,68%; ngoại tệ: +1,62%) trong quý III/2017 và tăng trưởng 16,33% (VND: +16,89% và ngoại tệ: +9,3%) tính đến cuối năm 2017 so với cuối năm 2016. Mức kỳ vọng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 18% mà NHNN đã đề ra từ đầu năm nay.
Dựa trên những diễn biến trên thị trường và tín hiệu kinh tế vĩ mô, tôi dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Một sức ép nữa khiến áp lực tăng lãi suất trong những tháng tới, đó là nợ xấu.
Rất có thể trong khoảng hơn 1 tháng tới, nợ xấu trong hệ thống của ngành ngân hàng sẽ tăng cao nhằm được hưởng những quy định tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 tới đây. Nợ xấu tăng sẽ đẩy chi phí hoạt động tăng, từ đó sẽ đẩy lãi suất tăng lên.
Tôi đồng tình với Nghị quyết của Quốc hội trong việc xử lý dứt điểm nợ xấu. Khi nợ xấu được xử lý dứt điểm sẽ tạo sự lành mạnh cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, trong xử lý nợ xấu chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt. (Xem tiếp)
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục có kỷ lục mới, theo thông tin đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương đầu tuần này (3/7).
Cụ thể, tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD.
Đây tiếp tục là mức cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt được khoảng 41 tỷ USD vào cuối 2016. (Xem tiếp)
Bộ Tài chính vừa cho hay đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.
Nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo là bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, dự thảo yêu cầu việc chia hay không chia cổ tức, lợi nhuận cho phần vốn nhà nước bỏ vào DN phải có thêm ý kiến của Bộ Tài chính, ngoài ý kiến của chủ sở hữu. Bởi phần cổ tức là thu về ngân sách nên Bộ Tài chính có trách nhiệm phải theo dõi. (Xem tiếp)
LINH LINH
Theo : bizlive.vn