Hai năm sau ngày Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) về chung một nhà với Sacombank (ngày 1.10.2015), bất ngờ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra tuần qua lại có khá nhiều người lên tiếng phản đối về “cuộc hôn nhân” này
Hàng loạt cổ đông Sacombank (mã STB) đã lên tiếng đòi truy trách nhiệm của đại gia Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) vì cho rằng ông này là người “đứng sau” thương vụ sát nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank khiến nhà băng này từ vị thế dẫn đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần bỗng trở nên... “đuối sức” với khoản nợ xấu khổng lồ.
Đại gia Trầm Bê bị nhiều cổ đông Sacombank nêu đích danh phải chịu trách nhiệm với thương vụ sáp nhập Sacombank và Ngân hàng Phương Nam (Ảnh: IT)
“Đế chế” Trầm gia tại Sacombank
Cơn chính biến từ cuối năm 2012 tại Sacombank khiến cha đẻ của nhà băng này - ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh rút khỏi đây sau hơn 19 năm xây dựng và gắn bó. Cũng từ mốc thời gian này, “đế chế” Trầm Bê tại Sacombank cũng được xác lập.
Gọi là “đế chế” Trầm Bê là bởi sau khi ông Thành và con trai rút khỏi Sacombank, trong cơ cấu 8 thành viên còn lại của HĐQT Sacombank thì có đến 4 người đều xuất thân từ Southern Bank.
Trong thời gian 2,5 năm (từ tháng 12.2012 đến tháng 6.2015), dưới “đế chế” Trầm Bê, nếu so sánh các chỉ số tài chính thì “sức khỏe” của Sacombank có vẻ tương đối khả quan. Cụ thể, nếu lấy mốc ngày 31.12.2012 thì tổng tài sản Sacombank thời điểm này đạt 161.378 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 17.064 tỷ đồng, chiếm 10,6%. Tiền gửi huy động đạt 131.644 tỷ đồng, trong khi, cho vay khách hàng đạt 110.566 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) là 84%. Kết thúc năm 2012, Sacombank báo lãi ròng 2.229 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm tháng 6.2015, tổng tài sản STB tăng trưởng 30,6% lên mức 210.778 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 12,24%/năm. Vốn chủ sở hữu tăng trưởng trung bình 4,44%/năm lên 18.959 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng trung bình 14,7%/năm lên mức 179.941 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng trung bình 10,9%/năm lên 140.407 tỷ đồng. Tỷ lệ LDR đạt 78%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, Sacombank báo lãi ròng 1.180 tỷ đồng. Con số này chênh lệch không đáng kể so với con số lãi ròng 1.174 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2012.
Đặc biệt, nếu xét tỷ lệ nợ xấu thì tại ngày 31.12.2012, giá trị nợ xấu của Sacombank là 1.610 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,46%. Tuy nhiên, đến ngày 30.6.2015, giá trị nợ xấu của Sacombank dù là 1.698 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm về chỉ còn 1,21%.
Như vậy, thoạt nhìn thì tình hình Sacombank dưới “đế chế” Trầm Bê có vẻ như đang phát triển khá khả quan. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt (do VAMC phát hành) tại ngày 30.6.2015 mà Sacombank nắm giữ là 6.236 tỷ đồng, thì rõ ràng là tình hình tại Sacombank cũng không “đẹp như mơ” bởi bản chất của khoản trái phiếu đặc biệt trị giá 6.236 tỷ đồng này vẫn là... nợ xấu.
Nhiều cổ đông đòi ông Trầm Bê phải có mặt tại đại hội cổ đông (Ảnh: Quốc Hải)
Sáp nhập với Southern Bank là cuộc chơi “không công bằng”?
Thực tế, việc sáp nhập giữa các ngân hàng (NH), nhất là các NH yếu kém vào các NH khỏe mạnh hơn là nhu cầu thực tế và cũng là định hướng của Ngân hàng Nhà nước, chủ trương của Chính phủ nhằm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống NH. Đồng thời cũng giúp các NH nâng cao quy mô, gia tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa nguồn vốn, mạng lưới hoạt động… Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu này, những cuộc M&A như vậy cũng không thể luôn đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả các bên, các cổ đông.
Và tại Sacombank, nhiều cổ đông đang cho rằng cuộc M&A giữa Sacombank và Southern Bank là cuộc chơi không công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
Một cổ đông nắm giữ gần 600 nghìn cổ phiếu Sacombank tại Đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 30.6 vừa qua, đã bức xúc cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm của ông Trầm Bê, đồng thời phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải có giải thích rõ ràng vì sao lại cho phép Sacombank và Southern Bank sát nhập khiến quyền lợi cổ đông bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được các bên giải thích thỏa đáng cho cổ đông.
Thực tế, xét lại quá trình sát nhập giữa Sacombank và Southern Bank cách đây gần 2 năm, tại đại hội cổ đông bàn về phương án sát nhập hồi tháng 7.2015, khá nhiều ý kiến phản đối việc sát nhập này nhưng cuối cùng do tỷ lệ biểu quyết đạt 97,31% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết, nên việc sát nhập đã được tiến hành vào tháng 10.2015.
Tuy nhiên, sự kiện này được giới chuyên gia tài chính cho rằng, đây là cuộc chơi không công bằng cho các cổ đông nhỏ lẻ bởi việc sát nhập này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người cầm trịch cuộc chơi. Nên nhớ, thời điểm trước khi sát nhập, loại trừ 10% cổ phiếu quỹ và 6,78% cổ phần của nhà ông Trầm Bê, thì quyền quyết định đang dồn vào "nhóm Eximbank" với tỷ lệ sở hữu lên tới gần 18%. “Nhóm Eximbank” này, trong vụ thâu tóm Sacombank, đã đứng ra đại diện cho "nhóm cổ đông nắm giữ trên 51%" mà sau này đã cử một loạt đại diện từ Eximbank và Southern Bank vào HĐQT của Sacombank như: ông Phạm Hữu Phú, ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa, ông Phan Huy Khang, bà Dương Hoàng Quỳnh Như.
Có thể thấy, nếu nhóm cổ đông mà Eximbank đại diện cách đây gần 2 năm vẫn cùng chí hướng thì vụ sáp nhập Sacombank-Southern Bank sẽ nhanh chóng được đại hội thông qua cho dù ông Trầm Bê không được tham gia bỏ phiếu do là cổ đông hưởng lợi trực tiếp từ một đề xuất...
Theo : DV