Trong đồ gốm sứ xưa, thơ là một phần quan trọng, cùng với thư pháp và hội hoạ tạo nên “tam tuyệt”: thi – hoạ – thư trong môn cổ ngoạn. Những câu thơ được chọn viết lên gốm thường là các danh cú, tuyệt phẩm của những thi nhân trứ danh đời trước. Cũng đôi lúc thơ ấy là của danh gia đương thời, hoặc là của người đặt đồ đưa cho nghệ nhân/thư pháp gia viết, hay cũng có khi do chính nghệ nhân tài hoa lúc tạo tác ngẫu hứng sinh thơ mà viết lên gốm, vì vậy hậu thế sẽ không tìm ra tác giả của những thi cú này.
Trong các câu thơ đề trên gốm, thơ về mùa xuân khá phong phú về đề tài. Dưới đây là một vài đề tài mà chúng tôi thấy được gần đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc, như món quà đón mừng năm mới.
Mùa xuân nhớ nhà
Trong bốn mùa, thì mùa xuân khiến người những người đi xa nhớ nhà nhất. Bởi Tết là ngày hội đoàn viên gia đình, bằng hữu. Nhưng với những kẻ xa quê hương lâu ngày, đến vùng biên viễn, không nhận được tin tức của người thân trong một thời gian dài, thì khi trở về, đồng thời với cảm giác nôn nóng ước mọc cánh bay ngay đến nơi, là cảm giác lo lắng, đến nỗi không dám hỏi thăm người khác trên đường hồi hương, vì sợ sẽ nhận được những tin tức không may mắn. Những cảm giác này đã được Tống Chi Vấn thời Đường diễn tả rất ngắn gọn mà thần tình trong tác phẩm Độ Hán Giang 渡漢江, bởi chính bản thân ông từng ở vào hoàn cảnh này.
Lãnh ngoại âm thư tuyệt
Kinh đông phục lập xuân
Cận hương tình cánh khiếp
Bất cảm vấn lai nhân.
嶺外音書絕
經冬復立春
近鄉情更怯
不敢问来人
Biên cương bặt tin tức
Hết đông rồi lại xuân
Gần nhà càng thêm sợ
Không dám hỏi người thân.
Bài thơ này được viết trên cổ một chiếc bình lục giác trắng xanh, nét chữ chân phương đều đặn rõ ràng. Về dị bản, có người sẽ thấy một vài chữ trong văn bản bài Độ Hán Giang kể trên đôi khi có khác biệt vài chữ. Như chữ “tuyệt” có khi được viết là “tận 盡” hoặc “đoạn 斷”, cùng nghĩa như “tuyệt”, là hết/dứt/vắng; chữ “lập” (đến) có khi viết là “lịch 歷” (qua). Bên dưới là bài Sơn cư thu minh của Vương Duy. Phần họa vẽ hai người, có một chống gậy đang bước về ngôi nhà nằm giữa cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Mùa xuân rong chơi miền đồng quê
Xuân đến, có người chán cảnh nhộn nhịp tưng bừng, từ nơi đô hội về miền thôn quê để tìm thú vui ở đồng ruộng thân thương, cũng có người thích lang thang tìm đến vùng non cao trèo lên đỉnh nhìn xuống, hay là bơi thuyền trên dòng sông sâu, để hòa mình trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ bao la. Cái thú này không chỉ được người ngày nay yêu thích, mà từ nghìn năm trước, người xưa đã từng nhiều trải nghiệm.
Hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo giữa cánh đồng là một nét đẹp điển hình của bức tranh thôn dã. Trong văn hoá Việt Nam xưa, khi nông nghiệp được xem là nghề căn bản, thì con trâu cũng được xem là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Vì thế, hình ảnh mục đồng (trẻ em chăn trâu) cưỡi trên lưng trâu đủng đỉnh trên cánh đồng hay bãi cỏ xanh phổ biến nơi đồng quê đồng thời được coi như biểu hiện của cảnh tượng thái bình, hạnh phúc mà ai ai cũng mong ước. Khi mùa xuân đến, cỏ non xanh bất tận và thơm tho hoang dại càng cuốn hút những người từ kinh kỳ đô thành về miền đồng quê rong chơi, ngắm cảnh.
Nếu không đi được, thì người ta cũng còn một cách khác, cũng thú vị không kém, là ngắm cảnh ấy dồ cổ ngoạn và đọc đôi câu thơ, để mường tượng, hình dung:
Xuân du phương địa
Đồng vịnh ca quy
春逰芳地
童也咏歌歸
Xuân chơi miền cỏ thơm
Mục đồng về ca hát
Đọc hết câu đầu tiên, hẳn có người sẽ cảm giác quen quen hình như đã gặp ở đâu đó rồi. Đúng vậy, bốn chữ “xuân du thảo địa” hẳn có mối quan hệ thân tình với câu “xuân du phương thảo địa” trong bài vịnh rong chơi bốn mùa mà người yêu thơ xưa và thích du ngoạn đến nơi danh lam thắng cảnh đều ít nhiều từng nghe từng thấy:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Mùa xuân thì đến miền đồng cỏ non mà chơi, mùa hạ thì ngắm hoa sen nở trong hồ, mùa thu thì uống rượu hoa cúc và mùa đông thì nằm trong nhà đọc thơ vịnh tuyết. Đó là những thú vui của người xưa còn lưu truyền đến hiện tại, được người đời nay ngâm nga với nhau và đôi khi được các nhà sư viết lên đâu đó trong kiểng chùa. Vì thế, chúng ta mới có cảm giác quen thuộc.
Còn 2 câu thơ ngắn với tổng cộng 8 chữ viết trên chiếc chung giới thiệu ở đây, phần thư thì nét chữ chân phương, đều đặn, phần họa tuy đơn giản mà sinh động với cảnh vẽ một chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu đứng, con trâu thứ hai no tròn nằm nhơi thảnh thơi. Tích này thường được gọi là “đồng vịnh ca quy” và chung vẽ cảnh này tục gọi là “chung trâu”, được giới cổ ngoạn đánh giá khá cao. Có lẽ vì người ta cho dòng gốm này thuộc đồ ký kiểu nhà Nguyễn thời kỳ đầu (Gia Long, Minh Mạng) do người Việt đặt làm bên Trung Hoa, lại có thơ chữ Nôm nói về cảnh thái bình với vua sáng tôi hiền thông qua câu chuyện của Tề Hoàn Công – Ninh Thích, Tề Tương Vương – Điền Đan xa xưa:
Lân la chiếu đất liền màn trời
Thong thả rừng đào mặc thích chơi
Ghẹo nguyệt nghêu ngao ba chặp địch
Nhúng sương chỉ vẫy một tay roi
Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng [vang]
Tưởng trận Điền Đan khích khích cười
Dò hỏi chúng chàng nào bói thử
Thưa rằng chúa Hán có tin bài.
Ninh Thích chỉ là kẻ chăn trâu vậy mà sau thành quan đại thần, Điền Đan chỉ là anh coi chợ vậy nhờ dùng trâu lửa đánh trận sau thành tướng quốc. Cho nên tích “đồng vịnh ca quy” này ngoài ý nghĩa ngợi ca một cuộc sống đơn giản thanh bình, còn mang ý nghĩa khác, giống với một tích đặc biệt phổ biến khác trong cổ ngoạn là Khương Tử Nha câu cá bên sông Vị, ở chỗ: ẩn ý khuyến khích con người bền tâm gắng chí với lý tưởng của mình, chớ thấy kẻ cơ hàn, kỳ dị mà coi thường, vì nhiều khi đó chỉ là thời hàn vi của những tài năng xuất chúng chưa gặp thời đó thôi.
Mùa xuân tiễn bạn
Mùa xuân là mùa hội ngộ sum vầy giữa bạn hữu với nhau. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải chia tay. Người ta thường nghĩ mùa thu là mùa của chia ly, nhưng thực ra chia ly diễn ra nhiều nhất lại vào mùa xuân. Bởi mùa xuân khiến chúng ta chứng kiến nhiều cuộc trùng phùng nhất, đồng thời cũng khiến chúng ta chứng kiến nhiều cuộc tiễn đưa nhất. Mà nói đến tiễn đưa là nói đến buồn bã và lưu luyến, cho nên Lý Thương Ẩn mới nói: “Tương kiến thời gian biệt diệc nan” (gặp nhau đã khó, xa nhau lại càng khó). Vì rằng có khi cả năm hay mấy chục năm vào dịp tết nhất bằng hữu mới có cơ hội gặp nhau, rồi cuộc hội ngộ ấy có khi chỉ diễn ra trong vài phút rồi lại phải cảnh người ở lại kẻ ra đi, khiến ai cũng cảm thấy bùi ngùi, nhất là với những kẻ bạn tri âm.
Cảnh tiễn biệt vào mùa xuân không có mây sầu cỏ úa, hoa tàn lá khô ảm đạm thê lương như người ta hay thấy trong cảnh tiễn biệt vào mùa thu. Xuân đến thì nước trong xanh ngăn ngắt, mưa phùn bay bay trên rặng liễu biếc, con thuyền bồng bềnh, ngọn tháp đỏ tươi,… tất cả đều bừng lên sức sống trong những ngày tháng đầu năm. Trong phong cảnh ấy, không khí ấy, mà chia ly, mà tiễn biệt thì không chỉ người, mà đến bến đò đưa, con đường tiễn, cành dương liễu ven bờ cũng thấy thương cảm, luyến lưu nuối tiếc biết bao nhiêu. Các nghệ nhân làm gốm đã mượn bài thơ Hoành Đường 橫塘 của Phạm Thành Đại thời Tống để truyền lan cảm xúc đặc biệt ấy đến với chúng ta:
Nam Phố xuân lai lục nhất xuyên
Thạch kiều chu tháp lưỡng y nhiên
Niên niên tống khách Hoành Đường lộ
Tế vũ thuỳ dương hệ hoạ thuyền.
南浦春來綠一川
石橋朱塔兩依然
年年送客橫塘路
細雨垂楊系畫船
Biêng biếc màu xanh một bến xuân
Tháp son cầu đá vẫn y nguyên
Mỗi năm lại tiễn người hành viễn
Mưa nhỏ thuỳ dương muốn níu thuyền.
Phần thư pháp trên chiếc bát men trắng xanh hiệu đề “Ngoạn Ngọc” giới thiệu ở đây trình bày theo kiểu như một làn mưa xuân (tế vũ), cũng như dòng lệ chia phôi, giọt ngắn giọt dài, từ bài thất ngôn tuyệt cú 4 dòng 28 chữ thành 8 dòng với kết cấu: 5-2-5-2-5-2-5-2. Nét chữ cứng cáp khỏe khoắn, rõ ràng, sắc sảo. Phần họa vẽ hình hai người đi qua một chiếc cầu, dưới sông có ông lái đò, thường được gọi là tích “tiễn bạn qua cầu” và dân cổ ngoạn cũng hay gọi đùa đây là tích “tiễn cậu qua bàn”.
Mùa xuân ngắm hoa uống rượu
Hoa và rượu là hai món không thể thiếu được khi nói đến thú phong lưu của con người, nhất là trong những ngày tết. Hơn nữa, chúng còn luôn đi cùng nhau như bằng hữu tâm giao. Hoa làm cho rượu thêm đậm đà, rượu làm cho hoa thêm tươi thắm. Người ta có thể vì hoa mà sẵn lòng say như lời câu thơ được viết trên chiếc bình men màu thường được dùng để đựng rượu hoặc nước cúng mà dân gian gọi là gạt-bù-lệch hay bù-lệch giới thiệu dưới đây:
Trì tôn hoa tiền ẩm
Cam tâm tuý sổ bôi
持樽花前飲
甘心醉數杯
Trước hoa xin nâng chén
Nguyện lòng say mấy chung
Truy nguyên gốc tích, thì ra đây vốn là hai câu đầu trong bài Ẩm tửu khán mẫu đơn 飲酒看牡丹của thi nhân Lưu Vũ Tích thời Đường đã được các nghệ nhân gốm miền Nam Việt Nam xưa hoá dụng, đổi hai chữ “kim nhật” (hôm nay) thành “trì tôn” (nâng chén), tuy nhiên, chữ thơ có đổi mà ý thơ không đổi. Toàn văn bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú của Lưu Vũ Tích gồm 20 chữ, đọc lên ta có thể hình dung khá rõ hình ảnh một ông lão đang ngồi uống rượu một mình bên khóm hoa mẫu đơn trong tiết xuân, ta cũng có thể nghe ra giọng ngà ngà hóm hỉnh của thi ông:
Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm tuý sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai.
今日花前飲
甘心醉數杯
但愁花有語
不為老人開
Nay trước hoa nâng chén
Nguyện lòng say mấy chung
Chỉ e hoa biết nói
Bảo nở đâu vì ông.
Nhìn lại chiếc bình, chúng ta sẽ chỉ thấy 2 câu thơ được viết bằng một bút pháp phóng khoáng, phiêu lãng đậm chất tài tử Nam bộ. Nhìn kỹ hơn nữa cũng chỉ thấy thêm góc trái bài thơ có vài chữ nhỏ đề “Nam Phong tạo 南豐造”, chi tiết nhỏ này cho chúng ta biết một thông tin quan trọng về nơi sản xuất chiếc bình, đó là lò Nam Phong danh tiếng ở Sài Gòn xưa.
Thơ và thư là vậy, còn rượu và hoa đâu? Trong tranh xưa, rượu thường không được vẽ ra, mà người ta chỉ vẽ bình, nhìn bình và chỉ dẫn là xem như đã thấy rượu rồi vậy. Thế nên cái nậm rượu, bên ngoài lại có bài thi với mấy chữ “ẩm”, “tuý”, “bôi”, thì đích thị bên trong bình kia là “tửu” hoặc nên hiểu là tửu.
Đến hoa ở đây lại càng tinh tế, vì người nhìn không thấy cành lá nào mọc ra cả, đọc trên bình chỉ thấy ghi chữ “hoa”, còn không biết đây là loài hoa gì. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy một đoá mẫu đơn to màu trắng tinh khiết, chính là vùng dư bạch bao dung hai câu thơ, mà các đường viền uốn lượn quanh chính là đường nét của những cánh hoa mẫu đơn cách điệu.
Hoa mẫu đơn đối với đa số người Việt chúng ta hãy còn lạ lẫm, nhưng đối với người Hoa lại rất quen thuộc, vì nó là mô típ đặc biệt phổ biến trong hội họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác của họ. Điều này người chơi gốm Nam bộ hẳn sẽ rành rẽ, bởi đồ án hoa mẫu đơn xuất hiện khá dày trên gốm Lái Thiêu, Sài Gòn.
Theo: Doanhnhanplus