Ván bài mới của ông trùm quỹ đầu cơ ở tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới Nestle
Vị thế ở Nestle là động thái mới nhất trong nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu của tỷ phú Loeb – người vốn nổi tiếng với các thương vụ ở Mỹ và Nhật Bản.
Theo thông tin được công bố hôm qua (26/6), quỹ đầu cơ Third Point của tỷ phú Dan Loeb hiện đang sở hữu 3,5 tỷ USD cổ phiếu Nestle - tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới và cũng là công ty lớn nhất ở châu Âu. Đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Loeb, người đã có 2 thập kỷ làm nhà đầu tư chủ động (activist investor – từ dùng để chỉ những nhà đầu tư nắm giữ số cổ phần không lớn nhưng hoạt động giống như những chính trị gia đi vận động tranh cử khi cố gắng giành lấy sự ủng hộ của các cổ đông khác và qua đó đạt được những mục đích theo ý muốn).
Third Point, quỹ đầu cơ do Loeb lập ra và hiện đang làm CEO, hiện đang sở hữu khoảng 40 triệu cổ phiếu của tập đoàn có trụ sở ở Vevey, Thụy Sĩ. Trong 1 bức thư gửi tới các nhà đầu tư, Third Point đã khuyên Nestle nên bán toàn bộ cổ phần tại công ty mỹ phẩm L’Oreal, tăng đòn bẩy để mua lại cổ phiếu quỹ và đưa ra 1 mục tiêu chính thức về lợi nhuận…
40 triệu cổ phiếu mà Third Point sở hữu chỉ tương đương 1,3% tổng số cổ phiếu Nestle đang lưu hành, nhưng động thái của ông trùm quỹ đầu cơ Dan Loeb vẫn tác động mạnh đến cổ phiếu Nestle. Ngay sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu này tăng 4,8%, mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 1/2015.
Tỷ phú Dan Loeb
Sau Mỹ và Nhật Bản là đến châu Âu
Vị thế ở Nestle là động thái mới nhất trong nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu của tỷ phú Loeb – người vốn nổi tiếng với các thương vụ ở Mỹ và Nhật Bản. Lạc quan với triển vọng kinh tế châu Âu và nhận định rủi ro địa chính trị ở khu vực này đang giảm xuống, mới đây Third Point cũng vừa đầu tư vào UniCredit (ngân hàng niêm yết lớn thứ hai ở Italy) và EON (1 tập đoàn năng lượng của Đức).
Năm nay 55 tuổi, Loeb đã theo đuổi nhiều thương vụ lớn. Tuy nhiên chưa có thương vụ nào lớn bằng Nestle. Đây không chỉ là thương vụ lớn nhất kể từ khi Third Point ra đời năm 1995 mà còn là công ty lớn nhất mà Loeb nhắm đến. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá trị vốn hóa của Nestle đạt 263 tỷ USD – cao nhất ở châu Âu.
Năm 2014, Loeb tiết lộ thông tin đang sở hữu cổ phần ở Dow Chemical và kêu gọi tập đoàn này tách đôi để cải thiện lợi nhuận. Ông cũng là người đứng sau giật dây khiến CEO Andrew Liveris bị sa thải chỉ vài ngày sau khi Dow Chemical đồng ý sáp nhập với DuPont trong thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành hóa chất. Dù Liveris đã khẳng định kế hoạch ra đi ngay sau khi thương vụ hoàn tất, Loeb vẫn tiếp tục gây sức ép. Tháng 5/2014, ông kêu gọi công ty mới ra đời sau sáp nhập - Dow-Dupont – tự chia tách thành 6 công ty để có lợi hơn cho cổ đông.
Ở Nhật Bản, các chiến dịch của Third Point tập trung vào 2 mục tiêu lớn: Sony và Seven & i Holdings Co. (công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven). Mặc dù Third Point đã thoái vốn khỏi Sony sau khi không thể thuyết phục tập đoàn điện tử này bán đi mảng giải trí, nó đã thành công trong việc gây ảnh hưởng lên Seven & i. Chủ tịch của Seven & I từ chức năm 2016 và 6 tháng sau công ty công bố kế hoạch cải tổ toàn bộ.
Khoản đầu tư của Loeb vào Nestle càng gây thêm áp lực đang đè nặng lên ngành hàng hóa tiêu dùng ở châu Âu. Đầu năm nay, Unilever vừa cự tuyệt trước lời đề nghị thâu tóm từ Kraft Heinz. Dù giải thích rằng cách tiếp cận dài hơi của mình không phù hợp với định hướng tập trung vào lợi nhuận trong ngắn hạn của công ty đến từ nước Mỹ, sau đó Unilever vẫn phải cam kết tăng cổ tức và bán bớt những mảng quá ì ạch.
Tiết lộ Third Point cũng tạo áp lực lên Mark Schneider, người mới lên làm CEO của Nestle. Năm ngoái, doanh thu của Nestle tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất 10 năm, và cổ phiếu của hãng cũng bị bỏ lại ở phía sau so với các đối thủ cùng ngành trong mấy năm trở lại đây.
Schneider là người bên ngoài đầu tiên trong gần 100 năm lịch sử của Nestle trở thành người lãnh đạo công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. Kể từ khi nhậm chức ngày 1/1, ông đã bắt đầu chuyển hướng sang tập trung vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. Đầu tháng 6, Nestle tuyên bố sẽ bán mảng kinh doanh kẹo và socola ở Mỹ.
Ca ngợi kế hoạch ngừng kinh doanh bánh kẹo và gọi Schneider là 1 vị lãnh đạo “có thành tích ấn tượng”, Third Point cũng thôi thúc Schneider hãy hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt văn hóa khá khô cứng và thận trọng quá mức cần thiết của Nestle. Theo Third Point, Nestle nên xem xét lại toàn bộ mạng lưới hơn 2.000 nhãn hiệu của mình. Đồng thời, quỹ này cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Nestle thoái vốn khỏi L’Oreal. Hiện Nestle đang sở hữu khoảng 23,2% cổ phần của L’Oreal, có giá trị 27 tỷ USD.
Thời gian gần đây, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã trở thành mục tiêu ưa thích của các nhà đầu tư chủ động. Năm 2015, tỷ phú quỹ đầu cơ Bill Ackman thâu tóm 5,6 tỷ USD cổ phần của Mondelez International và gây sức ép buộc ban lãnh đạo của công ty này phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí. Procter & Gamble thì trở thành mục tiêu của quỹ Trian Fund Management LP.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục rằng Nestle cần phải thay đổi mạnh mẽ mới có thể đảm bảo tương lai tươi sáng.
“Điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục rằng Dan Loeb có tầm nhìn chiến lược tốt hơn so với đội ngũ quản lý hiện tại của Nestle”, Stephen Macklow-Smith, chuyên gia của JPMorgan Asset Management nói. “Với danh mục các sản phẩm mạnh như vậy, Nestle đang ở vị thế tốt để bước vào tương lai”.
Theo Trí thức trẻ