Tốc độ tăng trường kinh tế thấp cùng với thu nhập của người dân giảm sút trong 5 năm qua đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ Nga.
Sai lầm trong quá khứ?
Mới đây, phát biểu tại cuộc họp hội đồng Nga, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng, nền kinh tế Nga sụp đổ trong thế kỷ 20 do Nga đã nuôi dưỡng các nước cộng hòa Liên Xô, sau đó những nước này đã ra khỏi Liên Xô trong năm 1991.
Ông Volodin lưu ý rằng, trước cách mạng năm 1917, Saratov là thành phố có dân số lớn thứ 3 sau Moscow, Saint Petersburg và thuộc nhóm 4 thành phố có nền kinh tế phát triển nhất. Tuy nhiên, hiện nay Saratov đang phải đối diện với nhiều vấn đề, một trong số đó là sự suy giảm dân số.
"Chúng ta hãy tự đặt ra câu hỏi, tại sao ngày nay đó (Saratov) là thành phố xếp thứ 17 về dân số và nếu nói về kinh tế đã không còn nằm trong top 10. Chúng ta vẫn cần phải chịu trách nhiệm trong những 70 năm đó.
Các khu vực của Nga bấy giờ đã nuôi dưỡng các nước Baltic, Ukraine và các nước cộng hòa khác cũng moi sạch mọi thứ ra khỏi Nga để tạo ra ngành công nghiệp của họ, ngôn ngữ, văn hóa…", ông Volodin nói.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga lưu ý, Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và việc Liên Xô sụp đổ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga, sau đó kinh tế Nga thậm chí đã trượt dài tới mức thấp hơn so với trước cách mạng năm 1917.
Theo Cơ quan thống kê Nga Rosstat, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2019 đạt 109.300 tỉ rup (1.700 tỉ USD). Tốc độ tăng trưởng 1,3% của kinh tế Nga năm 2019 thấp đáng kể so với mức tăng 2,5% trong năm 2018 (nhìn nhận một cách khách quan, mức tăng này có thể là do sự sửa đổi lớn về dữ liệu xây dựng do việc hoàn thành một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn ở khu vực Yamal) và dưới mức dự báo 1,4% do chính phủ đưa ra.
Tốc độ tăng trường kinh tế thấp cùng với thu nhập của người dân giảm sút trong 5 năm qua đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ Nga.
Thách thức hiện tại
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Nordea và Tập đoàn bảo hiểm Coface, nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế Nga năm 2019 phát triển chậm là bất ổn kinh tế, áp lực từ các biện pháp trừng phạt, gánh nặng thuế cao đối với doanh nghiệp và cầu nội địa yếu.
Vì vậy, ngay cả động lực tăng trưởng quan trọng (giữ cho nền kinh tế Nga phát triển) cũng không hoạt động hết công suất. Điều này không có gì ngạc nhiên khi thu nhập của người dân giảm sút.
Trong khi đó, ông Alexei Antonov - Chuyên gia phân tích của công ty Alor, nhận định rõ ràng xuất khẩu đang đình trệ, do ảnh hưởng tạm thời của giai đoạn mất giá năm 2014, và các sản phẩm của Nga khó có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước đang phát triển khác.
Ngoài ra, nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào việc có thể giao dịch bằng đô la Mỹ. Xét cho cùng, hầu hết các thị trường hàng hóa trên thế giới kể cả thị trường dầu mỏ, đều giao dịch bằng đô la Mỹ.
Năm 2016, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã có tác dụng. Nó đã giáng thẳng một đòn vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, và làm tê liệt các tập đoàn lớn nhất sử dụng đô la Mỹ.
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa. |
Nga là một nước xuất khẩu lớn. Năm 2018, đồng đô la Mỹ chiếm đến 68% dòng tiền vào tại đất nước này.Điều này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong cho nền kinh tế Nga khi nhiều tập đoàn lớn ở nước này vay bằng đô la Mỹ.
Do các lệnh trừng phạt, những công ty và tập đoàn này đã gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Điều đã khiến các nhà đầu tư Nga sợ hãi, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính Nga và tiếp tục gây thêm áp lực cho nền kinh tế Nga.
Ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất năm 2014 của Nga, 50% thu nhập của đất nước vẫn đến từ việc sản xuất dầu và khí đốt. Thất bại trong việc đa dạng hóa nền kinh tế của họ là một điểm gây tranh cãi lớn về lý do tại sao tiền tệ của đất nước này vẫn chưa phục hồi được như trước thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Trong khi khí đốt của Nga được bán cho các nước châu Âu, có thể được định giá bằng euro, thì thương mại dầu và hàng hóa toàn cầu chủ yếu là thị trường đô la Mỹ.
Các đối tác thương mại lớn không có khả năng chấp nhận rủi ro ngoại hối bằng cách giao dịch bằng các loại tiền tệ khác. Ngoại lệ là Trung Quốc, nước đã tăng mua dầu và khí đốt của Nga bằng rúp.
Tuy nhiên, với ngày càng nhiều quốc gia cố gắng tránh xa sự phụ thuộc vào dầu khí và đầu tư vào năng lượng sạch hơn, tin tức kinh tế Nga có thể tiếp tục bị suy thoái trong nhiều năm tới.
Theo: Baodatviet