Chuck Close: Họa sĩ của những bức chân dung khổ lớn
Chuck Close - nhiếp ảnh gia, họa sĩ người Mỹ, người có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực hội họa với các bức vẽ chân dung khổ lớn - đã qua đời ở tuổi 81. Nhưng “những đóng góp của ông không thể tách rời khỏi thành tựu nghệ thuật trong thế kỷ XX và XXI”, Arne Glimcher - Chủ tịch The Pace Gallery chia sẻ.
Tiên phong xây dựng chủ nghĩa “Photorealism”
Chuck Close là một trong những họa sĩ tiêu biểu của nhóm họa sĩ định hình nên bối cảnh nghệ thuật New York giai đoạn 1960-1970. Ông tiên phong phát triển phong cách hội họa mới, tạo nên xu hướng tranh mô phỏng ảnh chụp (photorealism), nhằm tạo ra hình ảnh chính xác và sống động hơn.
Trong cuộc triển lãm đầu tiên, hầu hết tranh của ông đều là đen trắng, dựa trên ảnh chụp và phác họa lại chân dung một người nào đó. Với những bức vẽ như thế, Chuck Close không được nhiều người chú ý. Ông tiếp tục làm việc không mệt mỏi để trau dồi kỹ năng và tìm cách sáng tạo trên những nền tảng đang có. Close tạo ra những bức tranh khổ lớn từ các bức ảnh ông chụp.
Vào cuối những năm 1960, Close sử dụng cọ và sơn đen pha loãng để tạo ra những bức tranh có chiều cao 9 foot (khoảng 2,7 mét) với độ chính xác cao, biểu hiện từng chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt nhân vật.
Tác phẩm "Kent" (1970). Đây là tác phẩm đầu tiên Chuck Close áp dụng quy trình "ba màu" trong tranh, một kỹ thuật "bắt chước" phương pháp chuyển màu trong ảnh chụp. Toàn bộ quá trình thực hiện mất gấp 3 lần thời gian thực hiện tác phẩm thông thường. Close nói rằng: "Ảo ảnh cuối cùng vẫn ở trong mắt người xem. Màu sắc và bố cục chỉ là những chất xúc tác". |
Giai đoạn đó, những tên tuổi khác như Richard Estes, Robert Bechtle cũng thực hiện tác phẩm tương tự, nhưng The New York Times nhận định: “Không ai có thể biến những bức ảnh thành tranh có tác động thị giác mạnh mẽ như Chuck Close. Khi nhìn tận mắt, những nhân vật trong tranh có sức hút lạ thường”.
Đến những năm 1970, Close cải tiến kỹ thuật và mở rộng bảng màu. Ông nghĩ ra quy trình vẽ tranh đặc biệt là sẽ quét màu theo từng lớp riêng biệt với thứ tự lần lượt là đỏ, vàng, xanh lam để tạo ra những bức tranh đầy đủ màu sắc.
Bên cạnh đó, ông cũng áp dụng triệt để kỹ thuật của nhiếp ảnh để xác định chính xác bố cục bức tranh, đồng thời nghiên cứu từng pixel của ảnh và dùng các dạng hình học đầy màu sắc để vẽ lại chân dung. Đó là lý do đôi khi tác phẩm của Close chân thực hơn cả ảnh gốc, phản ánh rõ những điểm chưa hoàn hảo của bức ảnh.
Trong quá trình sáng tác, Close sử dụng nhiều chất liệu như màu nước, phấn màu, bột giấy và cả dấu vân tay của chính ông. Close xem việc vẽ tranh là cuộc đối thoại giữa thực tế, là những chất liệu vật lý và ảo ảnh của nhiếp ảnh. Vì vậy, ông không ngừng sáng tạo và thay đổi kỹ thuật vẽ.
Biến cố cuộc đời
Tháng 12/1988, khi đang tham dự buổi vinh danh nghệ sĩ tại New York, Close cảm thấy đau ngực và phải vào viện trước khi lên bục nhận giải. Ông được chẩn đoán xẹp động mạch cột sống và bị liệt từ cổ trở xuống. Trong thời gian phục hồi, Close bắt đầu tập cử động cánh tay. Khi có thể ngồi được, để vẽ tranh, ông buộc phải quấn chiếc bút lông vào cổ tay. Nhưng điều này không cản trở đam mê của ông với hội họa.
Keith/Mezzotint (1972). Với "Keith", Close sử dụng Meitotint, một phong cách in ấn lỗi thời để vẽ nên tác phẩm không được bảo tồn lâu. Tuy nhiên, đây lại được xem là dấu ấn lớn trong hành trình nghệ thuật của ông. Quan sát kỹ, người xem có thể thấy màu trên khuôn mặt của nhân vật nhạt hơn đáng kể so với xung quanh vùng mũi. Cách làm này giúp tạo ra một bề mặt mềm mại hơn, tạo cảm giác như bức chân dung đủ ánh sáng và làm nổi bật các điểm quan trọng trong bức vẽ. Từ tác phẩm này cùng các hiệu ứng ngẫu nhiên của kỹ thuật in ấn đã truyền cảm hứng cho Close để thử nghiệm thêm nhiều phương tiện khác nhau trong các tác phẩm sau đó. |
Close không chỉ trở lại hội họa với đam mê mãnh liệt hơn, mà còn bắt đầu tạo ra những tác phẩm xuất sắc nhất sự nghiệp. Chỉ với chiếc bút lông và bàn tay chưa hồi phục, Close tiếp tục vẽ những bức chân dung khổ lớn theo tỷ lệ pixel trong ảnh. Trên tấm bạt lớn do trợ lý chuẩn bị, ông vẽ theo các ô vuông lần lượt từ trái sang phải, từ trên xuống, lấp đầy khoảng trống bằng màu sắc. Nhìn gần, những tác phẩm trong giai đoạn này của Close tràn ngập năng lượng, vừa như ảo giác vừa thể hiện từng điểm ảnh với độ chính xác hoàn hảo.
Close cũng bắt đầu mở rộng nhân vật. Bên cạnh những bức chân dung về bạn bè, người thân, ông thường vẽ các nghệ sĩ đồng nghiệp, như nghệ sĩ đồ họa Robert Rauschenberg, nghệ sĩ nhạc pop Roy Lichtenstein, họa sĩ Cindy Sherman... Thi thoảng ông cũng vẽ những người nổi tiếng, được công chúng săn đón như tỷ phú Bill Gates, ca sĩ Paul Simon, diễn viên Willem Dafoe, Brad Pitt, hay siêu mẫu Kate Moss... Năm 2006, ông vẽ chân dung của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - người đã trao tặng ông Huân chương Nghệ thuật Quốc gia năm 2000.
Fanny/ Dấu vân tay (1985). Chuck Close thích sự tương tác vật lý giữa nghệ sĩ và vật chất, do đó ông bị thu hút bởi phương pháp dấu vân tay. Phương thức này thường được xem là một sai lầm của nghệ thuật. Bởi nó làm mất đi vẻ trang trọng của những bức chân dung, nhưng những đặc tính này lại cộng hưởng rất tốt với Close. Những nét chấm phá khác nhau đã lột tả rõ vẻ ngoài của da thịt, đồng thời truyền tải cảm giác thân thiết giữa Close và người bà - nhân vật trong tác phẩm. |
Robert Storr - nhà phê bình nghệ thuật Mỹ chia sẻ với tạp chí Vogue: “Trong suốt 50 năm, Chuck Close đã biến việc theo đuổi một ý tưởng duy nhất thành sự nghiệp bền vững. Khi nói đến tranh chân dung mô phỏng ảnh chụp với khuôn mặt người đảm bảo các đặc điểm cơ bản, cấu trúc chính xác và lột tả những tầng tâm lý bí ẩn thì không một nghệ sĩ đương đại nào tiếp cận khéo léo, cụ thể và tinh tế hơn ông”.
Tác phẩm của Chuck Close hiện được trưng bày tại nhiều cơ sở văn hóa của Mỹ như Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney. Trước đó, vào năm 1998, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York đã vinh danh ông bằng một cuộc triển lãm với khoảng 40 tác phẩm.
Theo: DNSG