Du hành thời gian cùng những đôi giày quý ông
Trong nhiều thế kỷ, thời trang phái mạnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử và truyền thống. Từ khâu thiết kế, tạo mẫu, đến định hình phong cách đều được truyền cảm hứng từ dòng chảy của thời gian, và những đôi giày cũng vậy. Thông qua quá trình phát triển của những thương hiệu chế tác giày danh giá, điển hình như nhà mốt Berluti với di sản lâu đời, hãy cùng quay ngược dòng lịch sử và tìm hiểu về sự thay đổi của những đôi giày dành cho phái mạnh qua từng thập niên.
Việc sử dụng giày dép đầu tiên được lịch sử ghi lại là vào khoảng những năm 7000 đến 8000 trước Công nguyên. Nhiều hiện vật khảo cổ cho thấy những đôi giày cổ đại được dùng để bảo vệ bàn chân khỏi các yếu tố tự nhiên nguy hiểm. Trải qua nhiều thập kỷ, giày không chỉ nhằm mục đích bảo vệ và tạo sự thoải mái cho bàn chân của con người, mà còn được sử dụng như một vật phẩm thời trang. Trôi theo dòng lịch sử, thiết kế của những đôi giày đã thay đổi rất nhiều, từ kiểu dáng đến chất liệu, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.
“HÃY MANG NHỮNG GIẤC MƠ CỦA BẠN LÊN ĐÔI CHÂN ĐỂ DẪN LỐI GIẤC MƠ ĐÓ THÀNH HIỆN THỰC.”
ROGER VIVIER
Đầu thế kỷ 19, giày bốt Wellington trở nên đặc biệt phổ biến đối với nam giới khi đi săn và giày đi ngoài trời. Chúng được coi là phù hợp với mọi thời tiết và là kiểu giày yêu thích của Napoléon Đại đế.
Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, những đôi giày đến mắt cá chân, có đế dày may kèm vải co giãn, cột dây hoặc đính nút, vẫn được nhiều quý ông lựa chọn do ảnh hưởng từ thời Victoria. Những kiểu giày da cổ thấp như Oxford và Derby bắt đầu xuất hiện và vẫn còn được nhiều quý ông ưa chuộng phong cách lịch lãm yêu thích cho đến ngày nay.
Cùng thập niên ấy, vào năm 1895, Alessandro Berluti đã chính thức đánh dấu con đường chế tác giày da độc bản cho giới thượng lưu. Với kỹ năng chế tác thủ công bậc thầy của mình, ông đã cho ra đời đôi giày Oxford đầu tiên không hề có đường may hay lộ ra vết cắt, được cấu thành một cách hoàn mỹ và không tỳ vết từ một tấm da duy nhất. Bằng tất cả niềm đam mê dành cho giày và nghệ thuật chế tác đồ da, ông đã đặt tên cho đôi Oxford ấy bằng chính cái tên của mình – Alessandro và thành lập thương hiệu Berluti.
Đầu những năm 1920, đường phố đã trở nên đẹp hơn, có ít ngựa hơn trên đường phố, những đôi Oxford vẫn là được ưa chuộng hàng đầu. Thập niên 20 còn là thời kỳ chứng kiến nhiều biến động bất ngờ, từ chuyển giao xã hội hậu Thế Chiến, đến văn hóa – nghệ thuật đại chúng, và đặc biệt là trong sáng tạo thời trang. Các tài tử Hollywood theo đó ưa chuộng những mốt mang giày mới, chẳng hạn như tài tử Rudolph Valentino điểm trang đôi bốt bằng một tấm bọc ủng màu trắng.
Ở thập niên 1930, những mẫu giày nam thoải mái hơn được trình làng. Điển hình như giày lười Loafer mũi tròn thoải mái nhưng vẫn lịch lãm (trái) và giày Keds đế cao su năng động – tiền thân của những đôi sneakers hiện đại (phải).
Vào những năm 1930 -1940, giày Oxford đơn sắc trắng, nâu hoặc đen, cũng như kết hợp hai tông màu nâu / kem và đen / kem được chào bán rộng rãi và trở nên dẫn đầu xu hướng. Nam giới giai đoạn này ưa chuộng chạm khắc hoa văn ở đầu mũi và dọc thân giày.
Một sự lựa chọn khác là những đôi giày lười Loafer có đế thấp thoải mái và không gò bó. Giày loafer những năm 60 có mũi giày nhọn thay vì tròn hoặc vuông như những thời kỳ trước. Kiểu giày này được ông hoàng pop-art Andy Warhol đặc biệt yêu thích và đã đặt riêng nhà Berluti chế tác một đôi loafer độc bản dành cho mình. Thấu hiểu được mong muốn và cá tính mạnh mẽ của vị khách danh giá, bà Olga Berluti – truyền nhân thế hệ thứ 4 của nhà mốt, đã thiết kế một đôi giày loafer theo chủ nghĩa hiện đại, với một vết hằn đặc biệt kéo dài suốt thân giày. Vết hằn này được bà chế tác từ tấm da của một “con bò nổi loạn”, thích cạ mình vào hàng rào kẽm gai. Cái “nổi loạn” ấy được Andy đánh giá cao vì ông nhìn thấy được nội tâm cá nhân qua thiết kế độc đáo và đã ưu ái cho đôi giày được mang tên mình – Andy Loafers.
Những năm 1970 sống động cùng vũ điệu disco funk vui nhộn, những đôi giày cao gót cũng được cánh mày râu ưa chuộng , đặc biệt là giới trẻ và các ngôi sao nhạc rock như AC/DC, Johnny Thunders và David Johansen, Gene Simmons…
Vào những năm 1980, mọi thứ trở nên nghiêm túc hơn, với đôi vai rộng lớn đóng khung các mối quan hệ quyền lực. Phái mạnh đã sử dụng phong cách ăn mặc mạnh mẽ với điểm nhấn là quần áo đắt tiền và phụ kiện cao cấp nhưng vẫn giữ được sự thoải mái nhất định. Quý ông giai đoạn này có nhiều lựa chọn đa dạng hơn, từ Oxford cổ điển, Chelsea boost hỉnh chu, đến những đôi loafer thoải mái.
Thập niên 90 – 2000 bắt nguồn với những thay đổi trong nhận thức, xã hội dần trở nên cởi mở, con người cũng bắt đầu quan tâm đến của chất lượng cuộc sống hơn. Thập niên 90 tạo một sự khác biệt hoàn toàn khì giày sneakers chunky và năng động đã trở thành một xu hướng lớn khi thời trang chính thống bị ảnh hưởng bởi ba nền văn hóa giới trẻ quan trọng của thập kỷ: rave, hip-hop và grunge (một sự phân biệt trực tiếp với sự thái quá và hào nhoáng của những thập kỷ đã qua).
Trải qua một chặng đường khá dài, từ cổ điển và thu hút, đến độc đáo và táo bạo, những đôi giày dành cho phái mạnh ngày càng đa dạng hơn từ kiểu dáng, màu sắc, đến chất liệu. Nhiều ý kiến cho rằng thời trang chỉ là vòng lặp của những thập kỷ trước và ảnh hưởng từ mọi thời đại. Nếu trước kia nơi mà địa vị xã hội và đẳng cấp từng là yếu tố xác định các đặc điểm của xu hướng và phong cách người mặc, thì theo thời gian, đàn ông từ bất kỳ bước đi nào của cuộc sống đều có thể chọn lựa những gì họ muốn mặc và cách họ muốn mặc nó.
Thời thế thay đổi, thời trang cũng vậy, và dường như chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của phong cách. Chúng tôi hy vọng qua bài viết này gửi đến đọc giả một chuyến du hành thời gian, từ đó thấu hiểu hơn về một góc nhỏ trong tổng thể quá trình thay đổi và phát triển của thời trang phái mạnh.
Theo: Doanhnhanplus