Đưa “rác” đến nông trại và bàn ăn
Thành lập Green Connect, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học vào nông nghiệp, môi trường và phát triển bền vững, Huỳnh Hạnh Phúc đang thực hiện “khép kín vòng tuần hoàn từ rác đến nông trại và bàn ăn”.
Rác là tài nguyên
Hạnh Phúc kể: “Hồi 4-5 tuổi, sống ở Đà Nẵng, tôi lượm mót ve chai bán kiếm tiền mua truyện mỗi tuần và dành dụm gửi tiền cho mẹ. Lớn lên, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu về môi trường và kinh tế tuần hoàn sau khi khởi động chương trình “Nông dân tí hon” của Teach For Vietnam hồi năm 2017, hướng dẫn các em học sinh trồng cây xanh trong trường học, tận dụng chai lọ, bán rau kiếm thêm thu nhập cho quỹ lớp, học thêm về các môn khoa học tích hợp STEM, phát triển tư duy khởi nghiệp, sự sáng tạo và công nghệ”.
Không chỉ xuất phát từ ý tưởng tái chế rác thải gắn với kinh tế tuần hoàn, Phúc cùng tập thể Green Connect còn muốn đóng góp giá trị cho cộng đồng. “Chúng tôi luôn muốn làm sao tận dụng được mọi phế - phụ phẩm ở trong nước rồi xử lý và chế biến thành thức ăn chăn nuôi và phân bón, sau đó cung cấp cho các nhóm trồng trọt và chăn nuôi của bà con nông dân, của dân tộc thiểu số, của các cô lớn tuổi đang nuôi gà ở vùng núi với chi phí thấp và sau đó đưa sản phẩm của họ ra thị trường, giúp cho việc sinh kế bớt khó khăn”, anh Phúc bày tỏ. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ nhóm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, cộng đồng yếu thế trong xã hội giảm tác động môi trường thông qua các dự án mà anh và Green Connect thực hiện.
Khó khăn nhưng hạnh phúc
Với anh Phúc và Green Connect, có lẽ điều may mắn và hạnh phúc nhất là sự hỗ trợ, ủng hộ từ cộng đồng, đặc biệt là sự hưởng ứng từ các doanh nghiệp, đó chính là động lực giúp anh và các cộng sự tiếp tục lan tỏa lối sống xanh đến với mọi người.
Nhưng Green Connect cũng không tránh khỏi khó khăn. Đặc biệt là trong khâu logistics để bảo quản tránh ô nhiễm hôi thối, xử lý rác rồi vận chuyển rác đến trại để xử lý. Điều này đòi hỏi phải thường xuyên di chuyển.
Hay khi Green Connect xây dựng trại xử lý rác hữu cơ và chăn nuôi ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng đã gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu không có điện, không nước, không sóng điện thoại, lại muỗi nhiều nên đội nhóm ai cũng bị sốt xuất huyết. Rồi phải xây dựng tạm bợ bếp và chỗ ngủ nằm võng, hứng nước mưa để dùng và cho vật nuôi.
Khó khăn về tài chính, anh đã chủ động kêu gọi đầu tư từ hơn 30 nhà đầu tư cá nhân, hơn 15 khoản vay cũng như mang dự án tham gia một số cuộc thi và nhận tài trợ của các tổ chức phi chính phủ lớn như WWF, UNDP.
Nhắc đến sự hỗ trợ, anh Phúc xúc động: “Trong hành trình này, tôi cảm ơn doanh nghiệp Mondelez Kinh Đô với khoản tài trợ 30.000 USD (700 triệu đồng) hồi tháng 8/2022, sau đó cung cấp thêm bánh vụn là một nguyên liệu giá trị trong quá trình ủ rác hữu cơ”.
Hiện mỗi tuần Green Connect thu gom hơn 4 tấn rác hữu cơ và hơn 200kg nhựa, chai thủy tinh; tổ chức mỗi tháng hơn 5 sự kiện với các doanh nghiệp tham gia phân loại rác, trồng cây, hạn chế plastic, thi đua “ai xanh hơn ai”.
Anh Phúc cùng các cộng sự cũng cho ra đời những loại máy móc, sản phẩm thân thiện với môi trường như máy xử lý rác hữu cơ giúp phân loại và xử lý rác tại chỗ, sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải... Các sản phẩm Green Connect tái chế từ rác thải như phân bón, chế biến ấu trùng thành thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản... mang lại vòng đời mới cho rác thải.
Ngoài ra, anh còn sáng lập sàn thương mại điện tử mang tên NODA cung cấp các sản phẩm, sản vật địa phương không hóa chất độc hại và chế phẩm sinh học tự nhiên, hỗ trợ đầu ra cho hơn 50 nhà cung cấp là nhóm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, cộng đồng yếu thế trong xã hội.
Theo: DNSG