Làn sóng khởi nghiệp mới từ cuộc thanh lọc nhân sự của Big Tech
Các quyết định sa thải hàng loạt nhân viên của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) đã khơi dậy làn sóng khởi nghiệp mới khi những nhân tài bị mất việc quyết tâm hiện thực hóa những dự án kinh doanh của riêng họ.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Nic Szerman, 24 tuổi, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, sa thải chỉ hai tháng sau khi làm việc toàn thời gian cho tập đoàn này. Anh là một trong những ‘nạn nhân’ từ quyết định cắt giảm 13% lực lượng nhân sự của Meta Platforms khi thị trường quảng cáo kỹ thuật số suy sụp.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi nhận quyết định sa thải, anh đã trở lại làm việc, kêu gọi đầu tư cho công ty khởi nghiệp (startup) Nulink mà anh mới thành. Nulink, công ty thanh toán dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) , đã bản thuyết trình đến vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator và quỹ đầu tư tiền ảo Andreessen Horowitz để mời gọi rót vốn đầu tư.
Szerman nói: “Lần sa thải này đã giúp tôi có một vị thế tài chính thực sự tốt vì tôi không phải trả lại khoản tiền thưởng gia nhập Meta Platforms đồng thời tôi nhận được bốn tháng đền bù tiền lương. Giờ đây, tôi có thời gian nhiều hơn để tập trung vào dự án của riêng mình”.
Theo các nhà đầu tư mạo hiểm, Szerman là một phần của làn sóng những doanh nhân khởi nghiệp trỗi dậy từ đống tro tàn của làn sóng sa thải làm hàng loạt ở Thung lũng Silicon vào nửa cuối năm 2022.
Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ bao gồm Meta, Microsoft, Twitter và Snap đã sa thải tổng cộng hơn hơn 150.000 nhân viên trong năm ngoái, theo Layoff.fyi, nền tảng chuyên theo dõi tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu giảm 33% trong năm ngoái, xuống còn khoảng 483 tỉ đô la Mỹ, thì nguồn vốn đầu tư dành cho các startup ở giai đoạn đầu vẫn mạnh mẽ, với 37,4 tỉ đô la được huy động trong các vòng gọi vốn hạt giống. Con số này tương đương mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2021, theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu PitchBook.
Hồi tháng 11, Day One Ventures, một quỹ mạo hiểm tập trung vào các startup phát triển ở giai đoạn đầu, có trụ sở ở San Francisco, đã giới thiệu một chương trình đầu tư mới để tài trợ cho các startup được thành lập bởi những tài năng công nghệ bị sa thải. Chương trình đặt mục tiêu giải ngân 20 tấm séc trị giá 100.000 đô la mỗi séc vào cuối năm 2022. Day One Ventures cho biết đã nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký, hầu hết trong số đó là từ những nhân viên bị Meta, Stripe và Twitter sa thải gần đây.
“Chúng tôi đang đầu tư 2 triệu đô la vào 20 startup. Nếu chúng tôi xây dựng được một trong các startup này trở thành kỳ lân khởi nghiệp (startup được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên), gần như chúng tôi sẽ được hoàn lại tất cả vốn đầu tư. Tôi nghĩ đây là cơ hội thực sự duy nhất cho chúng tôi với tư cách là nhà quản lý quỹ”, Masha Bucher, đồng sáng lập của Day One Ventures , nói.
Bucher cho biết các công ty công nghệ mới nổi trong những năm gần đây như Stripe, Airbnb, Dropbox đều ra đời trong thời kỳ khủng hoảng.
Cũng trong tháng 11, quỹ đầu tư Index Ventures (Mỹ) ra mắt quỹ Origins thứ hai với mục tiêu đầu tư 300 triệu đô la vào các startup giai đoạn đầu. Trong khi đó, các quỹ nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon bao gồm U.S. Venture Partners và Austrian VC firm Speedinvest đã chuẩn bị một số tiền tương tự để đầu tư các startup mới thành lập.
Các nhà đầu tư nhấn mạnh lĩnh vực game và trí tuệ nhân tạo nằm trong số các lĩnh vực mà họ đang quan tâm.
Sofia Dolfe, đối tác của Index Ventures, nói: “Trong mọi thời kỳ kinh tế bất ổn, luôn có cơ hội cài đặt lại và sắp xếp lại các ưu tiên về nguồn lực”
Szerman cho biết dự án của anh đã bị Y Combinator từ chối và anh chưa nhận được phản hồi từ Andreessen Horowitz. Nhưng anh nói thêm rằng các nhà đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu khác đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án của anh.
Một số nhà đầu tư đã so sánh cơn suy sụp của ngành công nghệ trong năm 2022 với cú bùng vỡ của bong bóng dot-com vào đầu thập niên 2000, khi hàng chục công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực internet được định giá quá cao phá sản, khiến thị trường tràn ngập nhân tài bị sa thải và giúp khơi dậy làn sóng khởi nghiệp với công ty như Facebook và YouTube lần lượt xuất hiện.
Harry Nelis, đối tác quản lý của Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Accel Partners, người đã chứng kiến một thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới từ những những nhân tài công nghệ bị sa thải, nói: “Nhiều công ty vĩ đại đã được tạo ra trong thời kỳ tương đối đen tối”.
Một số chuyên gia ngành công nghệ cho biết các cựu nhân viên của Big Tech có vị thế đặc biệt để thành lập công ty của riêng họ sau khi tận mắt chứng kiến cách thức hoạt động của một số công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới và được tiếp cận liên tục với mạng lưới đồng nghiệp có chuyên môn cao của họ.
Năm 2015, Christopher Fong, người có thâm niên làm việc 10 năm cho gã khổng lồ công nghệ Google ở California, đã ra mắt Xoogler, một dự án được thiết kế để hỗ trợ các cựu nhân viên Google có tham vọng thành lập công ty của riêng họ. Kể từ đó, số thành viên của Xoogler đã tăng lên hơn 11.000 người,
Fong chia sẻ với Reuters rằng kinh nghiệm làm việc ở các công ty Big Tech mang lại cho những người sáng lập startup một “thương hiệu cá nhân mạnh mà họ có thế tận dụng để gặp gỡ các nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng và tuyển dụng thành viên cho nhóm nhân viên của mình”.
Theo Reuters