El Helicoide – số phận thăng trầm của một tác phẩm kiến trúc
Năm 1956, ba kiến trúc sư đình đám của Venezuela là Jorge Romero Gutiérrez, Dirk Bornhorst và Pedro Neuberger cùng tham gia thiết kế cho dự án mang tên El Helicoide, nằm trên quả đồi đá Roca Tarpeya ở Cararas, thủ đô Venezuela.
Đó là công trình xây dựng một khu mua sắm hiện đại tầm cỡ thế giới, gồm 300 cửa hàng cao cấp, tám rạp chiếu phim, một bãi đáp trực thăng, một khách sạn 5 sao, một công viên, một câu lạc bộ thượng hạng và một nhà biểu diễn. Về hình thức, toà nhà gồm 7 tầng và một mái chóp kim loại, hình dạng kim tự tháp ba mặt, với những hàng hiên lùi dần, bên trong có hệ thống đường giao thông đôi lên và xuống hình xoắn ốc với độ nghiêng chỉ 2,5% nên người ta hầu như không hề nhận ra. Với bố trí này, khách hàng có thể lái xe suốt cả 7 tầng và dừng xe phía trước bất cứ cửa hàng nào họ yêu thích mà không cần gởi vào bãi chung. Dự toán xây dựng là 10 triệu đô la vào năm 1958 (ước tính giá trị khoảng 90 triệu đô la hiện nay).
Công trình toạ lạc trên diện tích trải rộng 101 940m2, trong đó 29 192 m2 dành cho đường sá và không gian cây xanh. Dù chiếm trọn 100% bề mặt quả đồi nhưng diện tích xây dựng chỉ chiếm 50% mà thôi. Để chuẩn bịcho xây dựng, nhiều cư dân đã bị đuổi khỏi các khu ổ chuột ở San Agustín và nhà cửa của họ bị phá dỡ.
Một thiết kế đỉnh cao mang phong cách vị lai, dù lúc trình bày có ít nhiều tranh cãi, nhưng đã tạo nên tiếng vang lớn ở một đất nước hiện đại đứng đầu khu vực Mỹ La tinh thời ấy. Vào năm 1956, thiết kế đã được công nhận bằng một giải thưởng quốc tế cho hình thái kiến trúc mang tính cách tân và quy hoạch đô thị nguyên bản. Năm 1957, El Helicoide được tạp chí Time giới thiệu. Đặc biệt, Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại New York (MoMA) đã đưa công trình này vào triển lãm “Roads” vào kỳ tháng 8-9 năm 1961 và triển lãm “Latin America in Construction: Architecture 1955-1980” từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2015.
Đang xây dựng dở dang thì sang năm 1958, một cuộc đảo chính xảy ra lật đổ nền độc tài Marcos Pérez Jiménez. Chính phủ kế nhiệm từ chối cho phép tiếp tục xây dựng bởi những cáo buộc mờ ám trong liên hệ giữa chính phủ trước kia và các nhà thầu. Nhà tài phiệt người Mỹ, Nelson Rockerfeller từng đưa ra đề nghị tiếp quản dự án nhưng những quy định của chính quyền đã ngăn trở ý định này. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có những thời điểm chính quyền buông lỏng và công trình vẫn được xây dựng dù không liên tục. Đến năm 1961, công trình được đánh giá là đã hoàn tất được 90% nhưng lại bị đình trệ vì nhà thầu chính tuyên bố phá sản. Năm 1965, một nỗ lực tiến hành tiếp tục dự án với mục tiêu sẽ hoàn tất công trình vào năm 1967 được triển khai và lại đổ bể. Nhiều hạng mục nhỏ được phục hồi và sửa chữa nhưng không có hạng mục nào được phát triển đưa vào sử dụng. Từ đó, công trình vẫn tồn tại dở dang với những khối bê tông trần.
Năm 1966 rồi tiếp đến năm 1979, toà nhà thành chỗ trú ẩn cho những nạn nhân những trận mưa lụt lớn. Đến năm 1982, chính phủ đã mở chiến dịch “Giải cứu Helicoide” kéo dài suốt sáu tháng để trục xuất 1860 gia đình với khoảng 9300 nhân khẩu để tiếp tục tiến hành xây dựng, mục tiêu dựng nơi này làm “thành trì văn hoá”. Nhưng rồi mãi một năm sau cũng chỉ có một mái vòm kim loại được hoàn tất. Trước đó, vào năm 1969, Bộ Kế hoạch từng đề nghị biến nơi này thành các văn phòng, các cơ sở phục vụ các chương trình giáo dục và trung tâm triển lãm nhưng không được chấp thuận. Đến năm 1974, văn phòng kiến trúc Oscqr R. Tenreiro Degwitz tiếp tục đề nghị cải tạo những không gian bên trong El Helicoide thành tổ hợp Thư viện Quốc gia, Nhà in Quốc gia, Kho Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Khoa học và Kỹ thuật. Dự định tốt đẹp đó lại không thành hiện thực. Một năm sau, nhà nước ra quyết định trưng thu bất động sản này và sau đó giao cho tập đoàn Tekto Group xây dựng dự án “ Helicoide Caracas mới”. Theo cố vấn của nhóm thiết kế ban đầu, toà nhà vẫn được giữ làm trung tâm thương mại với sự mở rộng thêm tỷ lệ diện tích xây dựng để dựng một tháp khách sạn hình trụ cao tầng. Những tính toán rồi cũng tan như mây khói.
Cuối cùng, chính thức vào ngày 10/9/1986, El Helicoide được trao vào tay cơ quan Tổng cục Tình báo. Hai tầng dưới của toà nhà biến thành những phòng giam giữ tù nhân. Trong nỗ lực đảo chính năm 1992, một trận ném bom đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến toà nhà. Sau đó mái vòm được sửa chữa lại. Sang năm 2010, một phần toà nhà trở thành đại bản doanh của Đại học An ninh Thực nghiệm Quốc gia. Trong tình trạng bất ổn bủa vây chính quyền Nicolás Maduno, vì lượng tù nhân gia tăng quá mức nên các văn phòng, nhà kho, thậm chí nhà vệ sinh đều được chuyển đổi thành các khu giam giữ. Lời kể của tù nhân được tổng hợp trong một báo cáo của NGO mô tả nhà tù này là một nơi tra tấn bằng các biện pháp tàn nhẫn, có tính hệ thống và nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng. Vào ngày 16/5/2018 một cuộc nổi dậy xảy ra trong tù, nơi một số tù nhân chính trị bị bắt từ các cuộc biểu tình, khiến các lực lượng cầm quyền phải bắn hơi cay và nổ súng để trấn áp.
Hơn năm mươi năm trôi qua, số phận thăng trầm của tác phẩm kiến trúc này khiến người ta đã đặt cho nó một cái tên vô cùng hình tượng “Tháp Babel Nhiệt đới”. Diện mạo đáng thương của El Helicoide ngày nay được xem như một “tàn tích hiện đại” giữa những khu nhà ổ chuột vùng San Agustín. Nó xấu xí như bộ mặt thật nhem nhuốc nhưng cũng nhuốm chút lung linh hư ảo như màu sắc dãy quang phổ của cái gọi là hiện đại ở Venezuela. Một số người cay đắng nhận xét El Helicoide là hình ảnh phản ánh đúng tiến trình lịch sử của đất nước này.
Theo: Doanhnhanplus