Olympic Tokyo - Câu chuyện đằng sau những bộ đồng phục thi đấu
Không chỉ là sự đại diện cho mặt thời trang, những bộ đồng phục thi đấu của các đoàn thể thao thế giới tại Olympic Tokyo 2020 còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện và giá trị nhân văn đằng sau.
Sau hơn 2 tuần diễn ra, Thế vận hội mùa Hè – Olympic Tokyo 2020 đã chính thức kết thúc vào tối ngày 8/8/2021. Kỳ Olympic lần thứ 32 không chỉ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người hâm mộ thể thao bằng các màn thi đấu xuất sắc, hoàn cảnh tổ chức chưa từng có trong tiền lệ mà còn bởi những bộ trang phục thi đấu đặc biệt. Ngoài những bộ đồng phục được đánh giá cao về tính đột phá thời trang, thì Thế vận hội mùa Hè 2020 còn có sự xuất hiện của các thiết kế mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc về nguồn cội và vấn nạn xâm hại tình dục ở phụ nữ và trẻ em.
ĐỘI TUYỂN THỂ DỤC DỤNG CỤ ĐỨC VỚI TRANG PHỤC CHỐNG LẠI NẠN LẠM DỤNG TÌNH DỤC
Tại buổi thi đấu vào ngày 25/7, các nữ vận động viên (VĐV) của tuyển Thể dục dụng cụ nữ đến từ Đức đã khiến người hâm mộ bất ngờ khi tham dự vòng loại trong trang phục thi đấu chưa từng xuất hiện trong lịch sử bộ môn. Thay cho những bộ leotard để hở toàn bộ đôi chân như trước đây, toàn bộ VĐV của tuyển Đức lựa chọn mặc thiết kế unitard (áo liền quần dài đến mắt cá chân) ôm sát cơ thể.
Phát biểu về điều này, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Đức xem đây như một tuyên bố chống lại “nạn tình dục hóa ở phụ nữ và trẻ em” nói chung và ở bộ môn thể dục dụng cụ nói riêng. Bởi Olympic lần thứ 32 là Thế vận hội mùa Hè đầu tiên sau khi cựu bác sĩ Larry Nassar bị kết án vì lạm dụng tình dục hàng trăm VĐV của đội tuyển Mỹ trước đây. Trong số những nạn nhân bị Larry xâm hại có Simone Biles, VĐV Thể dục dụng cụ hàng đầu thế giới. Biles đã tuyên bố rút lui khỏi vòng chung kết cá nhân để bảo vệ sức khoẻ tâm lý sau khi tham gia thi đấu nội dung đồng đội. Không chỉ có Simone, vẫn còn có nhiều nạn nhân của lạm dụng tình dục phải chịu những đả kích đến từ các “chấn thương tinh thần” khó có thể hồi phục.
Đây cũng không phải lần đầu tiên tuyển Đức lựa chọn unitard làm trang phục thi đấu của mình. Thiết kế này được các VĐV Đức lần đầu tiên mặc tại Giải vô địch thể dục nghệ thuật châu Âu vào hồi tháng 4. Dẫu khác biệt, song đồng phục dự thi của tuyển các nữ VĐV vẫn tuân thủ theo đúng các quy tắc trang phục Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế. Và dù không lọt vào chung kết, thì lựa chọn đồng phục thi đấu của đội tuyển Đức cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng trang phục đối với bộ môn Thể dục dụng cụ.
ĐOÀN THỂ THAO LIBERIA VỚI TRANG PHỤC THI ĐẤU OLYMPIC 2020 TÀI TRỢ BỞI NTK TELFAR CLEMENS
Theo dữ liệu từ trang The World Bank, Liberia thường xuyên góp mặt ở danh sách các quốc gia nghèo nhất thế giới với dân số chỉ khoảng năm triệu dân do bởi sự yếu kém trong khâu quản lý và các cuộc nội chiến, hậu chiến tranh kéo dài. Cũng vì vậy, mặc dù góp mặt gần như mọi kỳ Thế vận hội, song đoàn đội Liberia đã không được nhận bất kì sự tài trợ trang phục nào kể từ sự rút lui của thương hiệu Balance vào năm 2000. Nhưng với kỳ Olympic 2020 tổ chức tại Tokyo, vấn đề đồng phục thi đấu của các VĐV Liberia đã được giải quyết với sự tài trợ của nhà mốt Telfar.
Với sự hỗ trợ từ NTK Telfar Clemens, đội điền kinh Liberia gồm ba đại diện đã xuất hiện trong lễ khai mạc với trang phục truyền thống mang đậm “hơi thở” thể thao. Họ mặc chiếc áo dài bằng lụa và lưới có chiều dài đến mắt cá chân kết hợp với quần palazzo bên trong, tạo nên thần thái vương giả mới lạ và thu hút nhiều ánh nhìn từ phía công chúng.
Đối với trang phục thi đấu, Telfar đã tạo nên những bộ đồng phục được kết hợp bởi các sắc màu chủ đạo gồm đỏ, trắng và xanh lam – tượng trưng cho quốc kỳ Liberia. Đó là những thiết kế áo thi đấu bất đối xứng phối với quần ôm thể thao năng động. Trên nền trang phục với sắc xanh lam chủ đạo nổi bật lên khối chữ màu trắng “Liberia” ở phía trung tâm. Hình ảnh ngôi sao lớn in trên đồng phục tượng trưng cho hoạ tiết ngôi sao duy nhất xuất hiện trên lá cờ Liberia. Bộ đồng phục thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại mang đậm dấu ấn của quốc gia Liberia và thiết kế đặc trưng của Telfar Clemens.
Hành động này của NTK Telfar được đánh giá mang lại ý nghĩa nhân văn to lớn dành cho Liberia – quê hương của ông. Việc tài trợ không chỉ thể hiện tình cảm hướng về nguồn cội của NTK mà còn giúp Liberia quảng bá văn hóa ra toàn thế giới, thay đổi nhận thức của mọi người về hình ảnh một Liberia với những xung đột dân sự và hậu quả chiến tranh kéo dài trong quá khứ.
Theo elle