Âm nhạc trị liệu – xu hướng chăm sóc sức khoẻ mới tại Việt Nam
Bên cạnh hình thức trò chuyện với chuyên gia tâm lý hay người khai vấn, âm nhạc trị liệu là một phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần có tác dụng tích cực đã được chứng thực trên thế giới và có thể là lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Âm nhạc giúp chữa lành
Sức khỏe tinh thần, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là trạng thái mà trong đó con người nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường trong khi vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.
Khi đối mặt với những khó khăn thử thách, người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ có ý chí kiên cường hơn, luôn nhìn thấy những mặt tích cực của vấn đề và nhanh chóng tìm ra cách giải quyết. Ngược lại, người bất ổn về sức khỏe tinh thần luôn mang tâm lý tiêu cực khiến bản thân gặp nhiều trở ngại. Sức khỏe tinh thần bất ổn kéo dài còn tác động xấu đến sức khỏe thể chất, giảm khả năng xử lý công việc và ảnh hưởng tới các mối quan hệ.
Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực âm nhạc, dùng âm nhạc để làm truyền thông, marketing cho doanh nghiệp, Lê Tấn Thanh Thịnh – co-founder, cựu CEO của BrandBeats nhận thức rõ vai trò của âm nhạc trong đời sống và cuộc sống của mỗi cá nhân. Vì vậy, anh đã lên kế hoạch khai thác âm nhạc cho một mục đích khác, đó là dùng âm nhạc để trị liệu, như một phương pháp chăm sóc, chữa lành sức khoẻ tinh thần.
Anh Thanh Thịnh chia sẻ: “Tôi có niềm tin âm nhạc có sức mạnh rất lớn đối với đời sống con người. Thay vì trước đây tập trung vào nghệ sĩ và thương hiệu thì bây giờ tôi tập trung vào sức mạnh tinh thần nhiều hơn”. Và đó là lý do anh Thịnh sáng lập ứng dụng chuyên về âm nhạc trị liệu – Mindfully.
Anh Lê Tấn Thanh Thịnh (bìa trái) và hai nhà đồng sáng lập Mindfully: Lương Công Trung Nguyên và Đỗ Hoài Khánh Vũ |
Mọi người thường tập gym, chơi thể thao để có sức khỏe thể chất tốt hơn, cơ thể đẹp hơn, đó là chăm sóc sức khỏe thể chất. Nhưng khi nói về chăm sóc sức khỏe tinh thần, ít ai biết cần phải làm gì. Anh Thịnh ví von, các thiết bị điện tử phải sạc xong mới sử dụng được thì sức khỏe tinh thần cũng như vậy.
Nhà sáng lập Mindfully chia sẻ: “Một điều thú vị là khi sinh ra, con người đã có sẵn nhịp đập trái tim và nhịp đập trái tim cũng liên quan đến nhịp đập âm nhạc, giai điệu, đó là lý do tại sao âm nhạc có đặc tính không biên giới. Có những ca khúc, dù không hiểu ca từ nhưng chỉ cần nghe giai điệu là chúng ta có thể cảm nhận được. Điều đó có nghĩa là âm nhạc có tính lan tỏa, không phân biệt đối tượng thụ hưởng”.
Tuy nhiên, âm nhạc gắn liền với cảm xúc. Tùy theo tâm trạng vui, buồn mà người ta muốn nghe loại nhạc khác nhau. Khi đang có tâm trạng buồn, nhiều người không muốn tiếp xúc với ai, không thể hoặc không muốn chia sẻ nỗi buồn và sự cô đơn với bên ngoài, lúc đó âm nhạc có thể giúp họ giải toả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra âm nhạc không chỉ giúp người ta thư giãn, mà còn có khả năng chữa lành những vết thương trong tâm hồn.
“Bản chất của âm nhạc mà chúng tôi hướng đến là giúp mọi người có thời gian cho chính mình, ngồi nghe âm thanh mình yêu thích trong 15-20 phút để thư giãn, thoải mái, như sạc năng lượng cho cơ thể”, anh Thịnh cho biết.
Khẳng định sức mạnh của âm nhạc với sức khỏe tinh thần, Thanh Thịnh lý giải: “Tôi có cơ hội được nghe rất nhiều câu chuyện của các bạn bị trầm cảm nặng. Hiện chúng ta chưa có nhiều môi trường hay cổng thông tin để chia sẻ, kết nối xử lý vấn đề này, nhưng may mắn là có một số bạn đã tìm được cách giải quyết bằng âm nhạc, trong đó có những ca khúc mà khi sáng tác, chúng tôi cũng không biết được tác dụng giúp cải thiện tâm trạng của mọi người trong lúc buồn, trong lúc cô đơn và khủng hoảng tâm lý".
Tiềm năng lớn nhờ tính cá nhân hóa
Âm nhạc trị liệu không phải là một dòng nhạc mới. Theo anh Thịnh, âm nhạc phần lớn đã có tác dụng thư giãn, nhưng âm nhạc trị liệu về cấu trúc chuyên môn sẽ đơn giản hơn âm nhạc thông thường, để người nghe không phải suy nghĩ nhiều. Âm nhạc trị liệu chỉ là personal music (âm nhạc cá nhân hóa) hay soundscape (không gian âm thanh) hay âm nhạc cho những tâm trạng khác nhau.
“Chúng tôi đã nghiên cứu với thiết bị đo chỉ số về sóng não và cả nhịp tim, nhịp thở. Tùy vào chỉ số sức khỏe của mỗi người, ứng dụng sẽ cung cấp loại nhạc phù hợp với mục đích cuối cùng là giúp người nghe thư giãn hơn, tập trung hơn. Âm nhạc sẽ ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hóa giúp người nghe đạt được trạng thái mong muốn. Ví dụ khi người nghe muốn ở trạng thái tập trung nhưng nhịp tim, nhịp thở lại đang ở trạng thái uể oải, yếu, “down mood” (xuống tinh thần) thì công nghệ sẽ dựa trên các yếu tố về không gian, thời gian, chỉ số sức khoẻ của người nghe để thiết lập tần số, âm lượng của bài nhạc giúp đưa người nghe vào trạng thái tập trung...”.
Ứng dụng Mindfully giúp người dùng có cơ hội trải nghiệm âm nhạc để thư giãn, tập trung hơn |
Anh Thịnh khẳng định âm nhạc trị liệu sẽ là một xu hướng mới, nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Cách đây 10-20 năm, khi chúng ta còn nghe nhạc bằng đĩa CD, cassette, ít ai hình dung đến chuyện sẽ nghe nhạc streaming hay trực tuyến như bây giờ. “Giai đoạn tiếp theo của âm nhạc là âm nhạc trải nghiệm. Có thể hình dung, khi chúng ta vừa bước vào nhà thì hệ thống sẽ hiểu được chúng ta cần nghe nhạc gì và phát lên. Hoặc lúc chúng ta làm việc, nó sẽ biết được chúng ta cần nghe nhạc gì để tập trung. Đó là xu hướng tương lai”, anh Thịnh nhận định.
Trên thế giới hiện mới có khoảng 10 - 15 startup làm về lĩnh vực ứng dụng âm nhạc vào trị liệu, tuy nhiên, theo anh Thịnh, nếu làm tốt thì sẽ giải quyết được bài toán lớn hơn cho thị trường và cộng đồng: “Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, cung cấp giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dùng. Ngoài ra, do tính không biên giới của âm nhạc không lời nên âm nhạc trị liệu có ưu thế hơn nhạc có lời khi nó truyền tải được những giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới, cũng như tiếp nhận những giá trị văn hoá của các quốc gia khác thông qua âm nhạc”.
Tất nhiên, khởi nghiệp với âm nhạc trị liệu cũng sẽ là “cuộc chơi” tốn kém, vì ngoài nền tảng công nghệ, đội ngũ làm việc phải vừa có chuyên môn về âm nhạc, có kiến thức cơ bản về ngành y, vừa phải hiểu biết về sản xuất âm nhạc…
Thừa nhận Mindfully mới đang ở bước sơ khởi, nhưng Thanh Thịnh cho biết ứng dụng đã có một số sản phẩm âm nhạc do một nghệ sĩ trẻ sản xuất. Nhà sáng lập Mindfully hứa hẹn: “Khi nghe, mọi người sẽ thấy sự khác biệt, bởi nó được sáng tạo với chất liệu thật, cảm xúc thật và chúng tôi muốn nâng niu cảm xúc đó. Tôi có thể tự tin nói rằng, âm nhạc của Mindfully thuộc nhóm âm nhạc trị liệu có nội dung phong phú và chuyên sâu”.
Theo: DNSG