Có gì bên trong 13 cửa hàng thời trang có kiến trúc “đỉnh” nhất thế giới?
Trong kinh doanh thời trang, bố trí cửa hàng đóng vai trò quan trọng trong việc mang tới trải nghiệm đỉnh cao cho khách hàng. Bên cạnh đó, cửa hàng còn là hạng mục quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các thương hiệu.
Các cửa hàng sau đây được công nhận là không gian mang đến trải nghiệm đỉnh cao. Đứng trước thách thức của thời gian, các không gian mua sắm sau tiếp tục nổi danh qua nhiều thế hệ. Họ đã đem đến một cái nhìn mới về ngành thời trang, thay đổi những hiểu biết thông thường về bán áo quần và cách chúng ta mua sắm ngày nay.
Comme des Garçons — SoHo / Chelsea New York
Cách đây rất lâu, thời trang đã từng là một thứ đáng sợ. Nó hoạt động theo nguyên tắc dựa trên chủ nghĩa hiện đại, tạo ra phong cách ăn mặc mới nhưng không hẳn lúc nào cũng phù hợp với bản thân người mặc. Ngoài ra, định nghĩa “thời trang” trong thời đại này nhằm tôn lên những nỗ lực mà họ đã vất vả làm việc để mua về và mặc chúng. Cửa hàng Comme des Garçons đầu tiên ở SoHo, được khai trương vào năm 1985, là hiện thân của ý tưởng đó. Cửa hàng về cơ bản bao gồm hai lầu: tầng trệt và tầng hầm, với rất ít quần áo, thoạt trông không hấp dẫn như những cửa hàng khác.
Và cho đến nhiều năm sau, CdG (viết tắt của tên Comme des Garçons) đã được xem như một phòng trưng bày nghệ thuật nên phải chuyển đến Chelsea, New York. Mặt tiền bằng gạch khiêm tốn nhưng ẩn sâu bên trong là nội thất màu trắng lấp lánh được trang trí bên ngoài bằng cánh cửa kính hình vòm hoành tráng giống như con tàu vũ trụ trong bộ phim 2001: Space Odyssey của Stanley Kubrick. Đây là một không gian được thiết kế bởi Future Systems, nó được “sinh ra” tại Anh và đã “di cư” đến New York. Vào năm 2016, nhà thiết kế thời trang Rei Kawakubo đã dát vàng toàn bộ kiến trúc này, một lần nữa chứng minh năng lực có thể biến kitsch (hiểu nôm na là vật có vẻ hào nhoáng nhưng thật sự không mấy giá trị) thành nghệ thuật của mình.
Helmut Lang — SoHo, New York
Toàn bộ lịch sử của nội thất bán lẻ đương đại có thể được chia thành BJ (Before the Japanese: trước thời đại của Nhật) và AJ (After the Japanese: Sau thời đại của Nhật). Vào đầu những năm 80, Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto đã gây ra sự bùng nổ giữa các nhận thức thời trang phương Tây, họ không chỉ loại bỏ những định kiến “ngột ngạt” của Paris, mà còn thoát khỏi tư duy kinh doanh hàng may mặc của nội thất bán lẻ trong thiết kế thời trang. Cặp đôi này không chỉ cách mạng hóa ý tưởng về thời trang xa xỉ là gì mà còn có cách chúng nên được trưng bày như thế nào. Không giống như những chiếc áo đè chồng lên nhau trên giá hoặc nhét vào khoảng trống trên giá khiến chúng không có chỗ “thở”, mà chúng đã được “biến hóa” thành các tác phẩm nghệ thuật: khoảng cách được treo cách nhau bốn inch.
Cửa hàng của Yamamoto ở Paris trên đường rue Cambon trông giống như một phòng trưng bày nghệ thuật và nằm ngay gần “pháo đài” bourgie Chanel của Lagerfeld trên phố. Nhưng, cuối cùng, cửa hàng Helmut Lang trên Phố Greene đã thay thế nó. Với trần nhà cao vút, những cột mô phỏng theo phong cách Corinth nguyên bản và được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật đèn LED Jenny Holzer.
Maxfield — Phía tây Hollywood, Los Angeles
Maxfield là một trong số ít các cửa hàng đa thương hiệu vẫn còn “đứng vững” trên thị trường. Nó đã hoạt động kinh doanh từ năm 1969, là một trong “kẻ khổng lồ” đầu tiên chấp nhận rủi ro đối với sự tiên phong trong ngành thời trang. Năm 1991, Maxfield đã công bố tòa nhà mới của mình, một cấu trúc bê tông che khuất lối vào sân trong của nó. Trong khi ngoại thất của kiến trúc này là một thiết kế trường tồn với thời gian, thì nội thất của nó dường như đã cũ đi khá nhanh và được tân trang lại từ vài năm trước.
Chrome Hearts — Phía tây Hollywood, Los Angeles
Không thể phủ nhận tính thủ công và câu chuyện thành công độc đáo tại Mỹ của Chrome Hearts. Triết lý “không gì là giới hạn” là một trong những tiếng vang của cửa hàng ở Tây Hollywood, nằm đối diện với Maxfield. Nó được thiết kế bởi người sáng lập nhãn hiệu Richard Stark và mở cửa vào năm 2000 – mang phong cách giống như một thánh đường, từ khoảng sân được phủ xanh cho đến nội thất giống như nhà thờ. Theo truyền thống xây dựng thủ công của Chrome Hearts, toàn bộ nội thất của nó được chế tạo trong xưởng rộng lớn ở Los Angeles, từ hộp trưng bày bằng gỗ óc chó châu Phi cho đến khóa bạc bên trong
Ann Demeulemeester — Zuid, Antwerp
Cửa hàng trải rộng trên hai tầng và đã mở cửa vào năm 1999. Những bức tường được bao phủ bởi bức tranh sơn dầu của họa sĩ, một khu vườn nhỏ ở phía sau và những phòng thử đồ có diện tích lớn góp phần tạo nên vẻ đẹp của nội thất chính. Demeulemeester và chồng bà – Patrick Robyn đã tự thiết kế toàn bộ cửa hàng. Gần đây, thương hiệu đã được trao cho người sở hữu mới – Claudio Antonioli.
L’Eclaireur — rue Herold, Paris
L’Eclaireur là người đã mở ra một cánh cửa mới khi trở thành “bệ phóng” sự nghiệp của bộ ba thần thánh trong làng thời trang thủ công — Carpe Diem, Carol Christian Poell và Paul Harnden. Hãng đã dành cả một chi nhánh để làm nổi bật những công việc thủ công tại rue Herold. Chủ cửa hàng Armand Hadida đã từng giới thiệu Karl Lagerfeld các tác phẩm của Poell, với câu chuyện người trước đã từng nhanh chóng mua hết như thế nào. Cửa hàng này nằm khuất trên một con phố nhỏ, chỉ có một biển báo hộp thư để “chỉ đường”. Mặc dù bây giờ một khái niệm như vậy có thể khiến bạn cảm thấy lỗi thời, nhưng vào thời kỳ đầu, điều này đã làm tôn lên tính chất thủ công của xưởng. Và trong thế giới mà thời trang đã trở nên dễ dàng để có trong tay thì đây lại là một sáng kiến thú vị.
Atelier — SoHo, New York
Atelier là một cửa hàng đem đến kết hợp giữa trang phục nam theo phong cách goth và quyến rũ của đương thời. Có một góc nhỏ nào đó trong thế giới thời trang vẫn diễn ra gay gắt về việc liệu địa điểm ban đầu của Atelier trên Phố Crosby hay địa điểm kế tiếp của nó trên Phố Hudson là tốt hơn. Kiến trúc này được thiết kế bởi MR Architecture, công ty đã từng “là người chịu trách nhiệm nội thất” cho cửa hàng thời trang Dior Homme trên Phố 57, và Constantin von Haeften, người đồng sáng lập Atelier.
Lift Etage — Daikanyama, Tokyo
Nếu bạn đã từng nghe qua cái tên Lift Etage, thì bạn đã thực sự đạt đến đỉnh cao của ngành bán lẻ thời trang. Ẩn mình ở phía sau của một khu chung cư không có gì nổi bật ở quận Daikanyama bình thường của Tokyo, nội thất của cửa hàng là một bài toán khó khi theo đuổi phong cách sang trọng trong thầm lặng.
Hermès — Ginza, Tokyo
Flagship Hermès ở Ginza là một kiến trúc được bao bọc một bức màn gạch thủy tinh được thiết kế bởi Renzo Piano. Nó mở cửa vào năm 2001, khởi đầu cho thời kỳ phục hưng ở khu mua sắm sầm uất Tokyo khiến các thương hiệu khác phải cạnh tranh: từ kiệt tác thủy tinh Herzog de Meuron năm 2003 của Prada ở Aoyama đến mặt tiền Céline tuyệt đẹp do Casper Mueller Kneer thiết kế tại trung tâm thương mại G6 mới khai trương cách đây vài năm ở Ginza.
Rick Owens – LaBrea, Los Angeles
Không nghi ngờ gì khi nói rằng Rick Owens là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất hiện nay. Không thiếu những nhà thiết kế mà tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến thẩm mỹ của ông. Trong đó cửa hàng ở LA là ấn tượng nhất và có lẽ phản ánh thẩm mỹ mang tính kỷ luật đầy nghiêm khắc của nhà thiết kế này. Owens đã tận dụng tối đa lợi thế diện tích của nó và kết hợp với kiến trúc sư Chris Benfield và Kiến trúc sư nội bộ của Owens, Anna Tumaini.
Một băng ghế dài 23 foot bằng đá cẩm thạch đen của Bỉ trong khoảng sân thô mộc của nó đủ gây ấn tượng ngay cả trước khi bạn bước vào cửa hàng. Benfield, người chịu trách nhiệm cho tất cả các cửa hàng Owens của Mỹ ngoại trừ chi nhánh mới nhất ở New York, cũng đã thiết kế những cánh cửa lớn cho cửa hàng.
LN-CC — Dalston, London
Khi LN-CC khai trương vào năm 2010 ở Đông London, nó đã khiến cả thế giới thời trang không ngừng trầm trồ vì kiến trúc của nó. Mặc dù lối vào cửa hàng có phần khiêm tốn nhưng khi “chạm trán” với nội thất ấn tượng của nhà thiết kế Gary Card, bạn sẽ cảm thấy đây là một kiến trúc tuyệt vời cỡ nào. Hành lang được bày trí giống như một khu rừng, đường hầm trưng bày giày hình bát giác, hiệu sách đóng khung bằng ván ép và phòng thử rượu Mezcal có quầy bar và một hệ thống âm thanh đỉnh cao.
Hostem — Shoreditch, London
Trong khi LN-CC đang làm mưa làm gió thì Hostem, một cửa hàng quần áo nam đã mở cửa lặng lẽ trên Redchurch St. Sự yên tĩnh là điểm nhấn cho cửa hàng, từ sự kết hợp của các nhà thiết kế như m.a.+ và Geoffrey B. Small cho đến sự tĩnh lặng của nội thất, được thiết kế bởi bộ đôi JamesPlumb, người cũng đã từng hợp tác với Aesop và Hermès. Những bức tường và trần nhà lót vải phản chiếu màu sắc tự nhiên của sàn gỗ. Vào năm 2014, Hostem đã mở rộng sang lĩnh vực trang phục nữ và James Plumb đã thiết kế lại hai tầng để nâng cấp các dịch vụ mới, mang lại cảm giác tương phản nhưng bổ sung cho nhau.
Vào năm 2018, Hostem đã được đổi tên thành Blue Mountain School và không gian đã được thiết kế lại hoàn toàn. Nội thất mới rất ngoạn mục theo đúng nghĩa của nó. Nhưng chính nội thất nguyên bản của Hostem mới thực sự mang đến cho không chỉ cửa hàng mà toàn bộ khu vực Shoreditch cảm giác đặc trưng riêng và khiến nó trở nên khác biệt với nhiều dịch vụ so với các cửa hàng bán lẻ thời trang.
Number (N)ine — TriBeCa, New York
Nằm ở vùng TriBeCa, nơi không có gì ngoài các nhà kho vào thời điểm đó, cửa hàng không giống như một nơi lui tới của dân sành điệu. Trong khi ngành bán lẻ thời trang ngày càng trở nên sang trọng và thầm lặng hơn, thì cửa hàng Number (N)ine đã dứt khoát đi ngược lại những gì vốn có.
Nguồn: style-republik