Du lịch vùng cao - tiềm năng còn bỏ ngỏ dành cho người khởi nghiệp
Với hơn 3/4 diện tích là đồi núi, Việt Nam sở hữu một kho tàng thiên nhiên và văn hóa núi rừng đặc sắc. Nhiều người trẻ đã lên vùng cao để khởi nghiệp với mục đích khai thác tiềm năng du lịch ở đây.
Bỏ phố về rừng
Cách thành phố Kon Tum 50km, Măng Đen nằm ở Bắc Tây Nguyên, có khí hậu quanh năm mát mẻ vẫn giữ được sự hoang sơ, thơ mộng. Đây cũng là nơi nhiều người trẻ bỏ phố lên rừng khởi nghiệp với ước mong bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Năm 2017, chàng trai trẻ Phạm Tuấn Anh rời TP.HCM lên Măng Đen xây dựng mô hình homestay du lịch hòa mình với núi rừng Măng Đen.
Tuấn Anh đã bắt đầu gặt quả ngọt sau 5 năm bỏ phố lên rừng |
Đúng như tinh thần rời xa phố thị ồn ào, Tuấn Anh cố gắng giữ nguyên vẻ hoang sơ núi rừng trong việc thiết kế mô hình trải nghiệm cho du khách. Đến Măng Đen, du khách sẽ tận hưởng những giây phút “sống chậm”, hòa mình giữa tiếng thông reo đại ngàn và thưởng thức những món ăn đặc trưng bản địa.
Tuy nhiên, vì hệ thống giao thông đến Măng Đen vẫn chưa phát triển nên lượng du khách đến đây không ổn định, gây khó khăn không nhỏ cho việc duy trì mô hình kinh doanh. Mặc dù vậy, gần 5 năm miệt mài xây dựng, từ một người phải vay nợ, làm thuê, Tuấn Anh bắt đầu gặt được những quả ngọt, có hệ thống nghỉ dưỡng, nhà hàng tương đối ổn định và đang có kế hoạch xây dựng nông trại hơn 1,5ha để trồng trọt và kinh doanh. Tuấn Anh động viên các bạn trẻ: “Các bạn cứ mạnh dạn khởi nghiệp, nếu thất bại thì vẫn còn thời gian và sức khỏe để làm lại, cứ kiên trì rồi may mắn tự khắc đến”.
Khi văn hóa dân tộc trở thành chất liệu
Cách Măng Đen hơn nửa chiều dài đất nước, Bản Liền (Lào Cai) cũng là một vùng cao nguyên hoang sơ và thơ mộng, là nơi sinh sống chính của người Tày. Các thanh niên trong độ tuổi trưởng thành nơi đây thường chọn sang Trung Quốc lao động hoặc vào thành phố kiếm việc làm.
Những năm gần đây, cư dân Bản Liền đã bắt đầu tận dụng những sản vật sẵn có ở địa phương và văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày để phát triển du lịch, vừa kiếm sống vừa bảo vệ văn hóa bản địa. Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Bản Liền được đề xuất bởi anh Vàng A Bình liên kết nhiều hộ dân trong bản, cùng xây dựng mô hình trải nghiệm du lịch theo bản sắc dân tộc Tày đã gặt hái được hiệu quả.
Hiện tại, tổ hợp tác đang có 4 hộ kinh doanh homestay, các điểm dừng nghỉ và tổ phát triển nông nghiệp trong bản. Các mô hình của tổ hợp tác du lịch cộng đồng Bản Liền giữ nguyên bản lối sinh hoạt của người Tày, giúp du khách trải nghiệm không gian truyền thống của người bản địa. Từ ngày làm thêm du lịch, bên cạnh việc làm nông, người dân nơi đây có dịp tiếp đón nhiều du khách.
Điều đặc sắc ở Bản Liền, theo anh Bình: “Bản Liền có lẽ là nơi duy nhất còn giữ được bản sắc đặc trưng của người Tày, phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống để sinh hoạt và chơi đá banh tự do”. Vốn chưa từng làm du lịch và kinh doanh, anh Bình thừa nhận rằng điều khó khăn nhất đối với anh là không biết làm thế nào để quảng bá nên mỗi tuần Bản Liền chỉ đón 1-2 đoàn du khách. Dù vậy, ai từng đến đây đều ấn tượng về sự hiếu khách và chân thật của người dân Bản Liền.
Theo: DNSG