Chọn con đường du học Mỹ, nhưng Bùi Thu Ngân, 27 tuổi luôn đau đáu khát vọng sẽ trở về quê hương, làm những điều mà chưa ai làm. Cô gái trẻ bắt đầu khởi nghiệp dự án Tipsy Art ngay khi trở về Việt Nam.
Tại lớp học vẽ đặt tại quán cà phê nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Võ Thị Sáu, hàng chục học viên đủ mọi lứa tuổi đang nguệch ngoạc những mảng màu vào bức tranh của mình. Đây là lớp vẽ tranh nghệ thuật Tipsy Art – nơi người dân Sài Gòn đến để sống chậm với nghệ thuật.
Startup Bùi Thu Ngân.
Tipsy Art do Ngân và cô bạn Nguyễn Thu Trang (cũng là du học sinh) sáng lập. Kể về Tipsy Art, Ngân cho rằng đó là “duyên”. Trong thời gian 4 năm theo học chuyên ngành kinh tế tại Mỹ, tình cờ một lần tham gia một buổi tiệc tại nhà người bạn, sau khi hết hoạt động, mọi người rủ nhau giở một bức tranh ra rồi cùng vẽ. “Lúc ấy mình thấy rất vui vì cứ người này biết gì lại nói cho người kia. Mọi người trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong một không gian vô cùng thoải mái, thư giãn” - Ngân nhớ lại.
Trở về Việt Nam, nhận thấy các bạn trẻ ở đây cuối tuần thường chỉ tụ tập đi xem phim, uống cà phê, mua sắm,… mà thiếu các hoạt động thiên về tinh thần nên Ngân cùng với bạn nuôi ý định mở các buổi học vẽ như đã tham gia ở Mỹ. Từ việc lên ý tưởng, tìm mặt bằng, tuyển nhân viên… mất vỏn vẹn 2 tháng. Cuối năm 2015, lớp học đầu tiên của Tipsy Art được ra đời.
Ngân tâm sự, khó khăn nhất với một dự án nghệ thuật là làm thế nào để mọi người cảm thấy hay, cảm thấy muốn tham gia, nên thời gian đầu, các buổi học của Tipsy Art đều dành cho bạn bè, người quen. Sau khi được sự ủng hộ và tin tưởng của mọi người, Tipsy Art mới mở rộng dần ra qua hình thức truyền miệng. Mục đích của Tipsy Art là mang nghệ thuật đến gần hơn với giới trẻ, đồng thời giúp mọi người có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ phút làm việc, học tập căng thẳng.
“Khác với việc xem phim, mua sắm khi rảnh rỗi, thư giãn bằng nghệ thuật giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển bản thân. Chúng tôi mong các bạn trẻ sống chậm lại, dành thời gian cho mình trong ba tiếng ngắn ngủi của lớp học” - Ngân chia sẻ.
Với chi phí 400.000 đồng/buổi học 3 tiếng, người tham gia lớp học vẽ tranh cấp tốc Tipsy Art sẽ có cơ hội trải nghiệm hoạt động vẽ tranh nghệ thuật trong không gian có âm nhạc du dương và đồ uống đi kèm.
Tại Việt Nam, khi đa phần các startup đều hướng vào lĩnh vực kinh tế, công nghệ… thì lựa chọn khởi nghiệp của các cô gái trẻ này trong lĩnh vực nghệ thuật được được đánh giá là liều lĩnh. Bởi không ai tự nhiên nghĩ rằng mình sẽ đi học vẽ. Thế nhưng khi đến để thử nghiệm vì… tò mò, học viên nhận được nhiều hơn suy nghĩ “đi một lần cho biết”. Đó không chỉ là những bức tranh do mình tự tay tô vẽ, mà là những giây phút thoải mái bên người bạn mới quen, là kết nối về tinh thần và những trải nghiệm mới.
Nhiều học viên bày tỏ cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi được tự tay cầm cọ và sáng tạo những bức tranh của riêng mình. Nguyễn Hải Ý (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TPHCM) chia sẻ: “Mình rất yêu tranh nhưng chưa khi nào dám cầm cọ, vì mình sợ bị chê xấu. Từ lúc theo lớp học này, mình không còn áp lực chuyện đó nữa. Giờ thì mình đã tự tin để có thể vẽ được những bức tranh tặng cho bạn bè, người thân”.
Chia sẻ lý do quay trở về Việt Nam khởi nghiệp, trong khi nhiều du học sinh lại chọn ở nước ngoài có nhiều điều kiện tốt hơn. Ngân khẳng khái: “Mình lựa chọn về Việt Nam vì mình cảm thấy ở quê hương mình có rất nhiều công việc chưa ai làm, trong khi những công việc đó bên Mỹ, có rất nhiều người làm. Do đó, ngay từ khi còn học đại học, mình chưa từng có ý định sẽ ở lại Mỹ làm việc lâu dài mặc dù cuộc sống bên đó đầy đủ hơn rất nhiều. Mình cũng yêu đất nước mình và muốn góp sức để quê hương phát triển tốt đẹp hơn”.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, nhóm của Ngân gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là một lớp học rất mới, chưa nhiều người biết. “Chúng mình không coi đó là những khó khăn mà biến nó thành cơ hội, nếu biết tận dụng đúng lúc, đúng thời điểm thì dự án của tụi mình có thể… bay xa” - Bùi Thu Ngân dí dỏm.