Tôi nên khởi nghiệp gì khi mới vào đời?
Khi khởi nghiệp, nếu bạn còn lăn tăn trước những câu hỏi này thì thường doanh nghiệp sẽ “chết” sau một năm thành lập.
Khi khởi nghiệp, nếu bạn còn lăn tăn trước những câu hỏi như: Chọn lĩnh vực khởi nghiệp nào cho phù hợp; Chọn thị trường gì: B2C (bán cho người tiêu dùng), B2B (bán cho doanh nghiệp), B2G (bán cho chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận)…; Khách hàng là ai; Khách hàng cần mình làm gì... thì thường doanh nghiệp sẽ “chết” sau một năm thành lập.
Thế nên, việc đầu tiên bạn cần gạt hết những lĩnh vực mà cần rất nhiều vốn hoặc phải trường vốn ra một bên, thậm chí cần vốn pháp định và nhiều giấy phép phức tạp, hoặc chuỗi cung ứng phức tạp (thiếu một yếu tố công ty không vận hành được). Sân chơi đó dành cho các cá mập khởi nghiệp chứ không phải một chàng trai/cô gái với 2 bàn tay trắng. Ví dụ như lĩnh vực Hàng không, bất động sản căn hộ, Karaoke (xin giấy phép rất khó và tiền lót tay không ít), Bar - Vũ trường, nhà hàng cao cấp, năng lượng, công nghiệp nặng...
Một số nhóm lĩnh vực cơ bản có thể khởi nghiệp
Thứ nhất, làm về thương mại: Mua đi bán lại (nhập khẩu, phân phối, bán lẻ).
Thứ hai, làm về sản xuất: Nhập nguyên vật liệu (đôi khi là khai thác) và sản xuất ra thành phẩm. Thú vị là đôi khi thành phẩm của công ty A lại là nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của công ty B, hình thành chuỗi cung ứng trong xã hội. Tiêu biểu như dệt may, công nghiệp nặng, năng lượng, nông nghiệp, chăn nuôi....
Thứ ba, làm về dịch vụ: Dùng trí tuệ, sức người để cung cấp một giải pháp cho người tiêu dùng (B2C), cho doanh nghiệp (B2B).
Thứ tư, làm về đầu tư: Nguyên lý dùng tiền đẻ ra tiền, phổ biến kinh doanh về đầu tư tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ, ươm tạo... thậm chí tín dụng đen (dĩ nhiên ngoài vòng pháp luật).
Và theo cấp độ, thường làm dịch vụ sẽ cần ít vốn nhất, nhì là thương mại, ba là sản xuất, cuối cùng là đầu tư. Ví dụ, nếu mở một hãng sản xuất máy bay thì chắc chắn vốn khủng hơn là làm dịch vụ hàng không, dịch vụ quản lý sân bay ở mặt đất; Hay làm dịch vụ hàng không, dịch vụ quản lý sân bay ở mặt đất sẽ nặng vốn hơn so với làm thương mại là bán vé máy bay. Do đó không ngạc nhiên là số bạn trẻ khởi nghiệp mở xưởng sản xuất vô cùng ít, còn bán hàng online thì nhiều như sao trên trời.
Để hiểu rõ hơn về các linh vực trước khi chọn khởi nghiệp, bạn cần hiểu đặc thù của từng lĩnh vực đó.
Với nhóm thương mại: Đây là lĩnh vực dễ làm, chỉ cần nắm nguồn hàng là có thể bắt đầu khởi nghiệp vì lĩnh vực này không cần quá nhiều nhân sự, cũng không lệ thuộc nhân sự cấp cao. Thường các bạn trẻ sẽ thử sức làm bán lẻ (tìm hàng giá rẻ, bán ra cao hơn ở nơi khách hàng cần nhiều), sau thời gian đi lên nhà phân phối/bán sỉ, cuối cùng là làm nhập khẩu vì làm nhập khẩu vốn nhiều.
Cái khó của nhóm thương mại là hàng tồn kho và cạnh tranh về giá. Ai xây dựng thương hiệu tốt, tài chính tốt, trải nghiệm khách hàng tốt, người đó sẽ tồn tại được. Người tiêu dùng giờ đủ khôn để tìm kiếm hàng và so sánh giá. Bạn và nhiều shop cùng nhập từ một nguồn, vậy làm sao bán giá cao hơn đối thủ mà khách hàng vẫn chấp nhận là một bài toán không dễ giải chút nào.
Đó là lý do có hàng trăm cửa hàng bán lẻ (online, offline) ra đời, bán đủ thứ sản phẩm tuy nhiên cũng nhiều cửa hàng bị “chết yểu” vì bài toán giảm giá riết bán hết lời.
Đây là điều tất yếu khi bạn làm một thứ đã có sẵn và ai cũng nghĩ ra được.
Theo tôi để thành công trong lĩnh vực này, các bạn phải làm sổ sách tỉ mỉ, nắm rõ biên lợi nhuận từng sản phẩm, tỷ lệ tồn kho, chuyển hoàn. Ai hời hợt về số sẽ rất khó tồn tại trong nhóm lĩnh vực này.
Với nhóm sản xuất: Khó làm vì cần nắm được nghề, bí quyết, công thức, kỹ thuật sản xuất của một mặt hàng nào đó. Không biết gì về mặt hàng mà cắm mặt làm thì chết 100%.
Khó làm vì để một nhà máy, nông trại vận hành đòi hỏi bạn phải setup cùng lúc chuỗi cung ứng, thiếu một mắt xích nào cũng chết ngay. Không thể để tới lúc nông trại ra trái và hái hết rồi mới đi mở kênh tiêu thụ, trừ phi bạn muốn thất thu một vụ mùa. Nói nôm na quản trị một nhà máy phức tạp bội phần so với một công ty nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt lơ là kiểm soát chi phí, giá vốn thành phẩm cao sẽ dẫn đến việc bạn sản xuất không lời nếu giảm giá nhiều, bán đắt thì không ai mua.
Thường đa phần "anh em' khởi nghiệp ở nhóm 2 sau khi làm tốt nhóm 1 thành công rất cao. Vì vậy nhiều bạn làm sales lâu năm một nhà máy, tới lúc ra mở nhà máy thì vỡ trận vì người chủ làm rất nhiều thứ, xưa thì chỉ lo đi mở kênh tiêu thụ, nay thì lo tìm nguyên vật liệu đầu vào, giám sát việc sản xuất, quản lý chất lượng, vận chuyển hàng hóa...
Đáng buồn ở Việt Nam, thay vì xây thương hiệu, nhiều bạn lại chọn con đường mì ăn liền là làm gia công để tồn tại, nhưng kể cả khi đã có tiền nhiều, họ vẫn chỉ gia công mà thôi.
Làm ra trái sầu riêng, xuất qua Thái Lan, họ dán made in Thailand rồi đẩy ngược về Việt Nam, người tiêu dùng phải mua giá rất cao.
Hãy khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất khi bạn đã nắm đầu ra, hoặc có kinh nghiệm xây dựng kênh tiêu thụ hàng hóa, nếu không bạn sẽ bị thất bại vì hàng tồn kho ứ đọng, nhân viên không có việc để làm.
Với nhóm dịch vụ: Nếu bạn cần tiền trước mắt, không công nợ hàng hóa, lợi nhuận lớn, vốn đầu tư ít (cùng hệ quy chiếu về ngành nghề với thương mại và sản xuất) thì dịch vụ là cái các bạn trẻ nên làm, và nếu tuổi đời còn trẻ, thì nên làm về B2C, đừng làm B2B.
Làm dịch vụ, tiêu chí bắt buộc là bạn phải giỏi marketing; thứ 2 là vấn đề chăm sóc và trải nghiệm khách hàng vì làm dịch vụ là làm dâu trăm họ.
Công nghệ có thể coi là ngành giá trị nhất hiện nay. Dù bạn sản xuất một sản phẩm công nghệ, hay cung cấp một dịch vụ công nghệ, nếu thành công đều rất mau giàu, ví như thế giới di động, Airbnb…
Với nhóm đầu tư: Phù hợp cho các cá nhân tài chính mạnh, có nguồn tiền lớn ổn định từ một nguồn thu khác, am hiểu sâu về kiến thức tài chính, kế toán (Thật buồn cười là nhiều bạn đem tiền đi đầu tư vào một doanh nghiệp mà lại không biết đọc hiểu báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, bảng dòng tiền).
Đặc thù là kiếm tiền dài hạn, thường chưa thấy ngay trong ngắn hạn và phải đa dạng danh mục đầu tư.
Đã có rất nhiều cá nhân ở Việt Nam kinh doanh cầm đồ, cho vay vốn tín chấp, đầu tư ủy thác cam kết và giàu lên nhanh khủng khiếp…
Tùy vào nguồn lực, kiến thức và xuất phát điểm, khẩu vị làm ăn mà bạn có thể chọn 1 trong 4 nhóm để khởi sự. Kế tiếp chỉ còn là chọn ngành, chọn sản phẩm, dịch vụ cụ thể, chọn lựa thị trường và khách hàng mà thôi.
Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu. Khởi nghiệp khó kinh khủng,
chưa ai thành công mà nói dễ trừ mấy ông thần đa cấp.
Theo: Enternews