Ve chai công nghệ số: Giải pháp vì môi trường
Với sứ mệnh hoạt động vì môi trường, cộng đồng, VECA đã vào Top 15 startup chương trình tăng tốc khởi nghiệp NINJA Accelerator, Top 10 giải thưởng doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award 4 và đạt quán quân cuộc thi “Thử thách thành phố không rác”.
Nhận thấy việc tái chế rác thải chưa hiệu quả, lãng phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình và ô nhiễm môi trường, Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang quyết định thành lập Công ty TNHH VECA và khởi nghiệp với app VECA.
Sau gần một năm chỉnh sửa, app VECA ra mắt vào tháng 4/2021. Không chỉ kết nối người mua và bán ve chai, ứng dụng này còn giúp phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường. VECA có hai phiên bản dành cho người bán và người mua ve chai, hoặc vựa phế liệu. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên app để tìm người thu gom đến mua trong khoảng thời gian thích hợp. Giá thu mua do thị trường chi phối, hiển thị minh bạch trên ứng dụng...
Theo ước tính của Bùi Thế Bảo, ứng dụng này sẽ tăng 20% thu nhập, tương đương 400.000 đồng/ngày cho người thu mua ve chai so với cách truyền thống, lại tiết kiệm sức lao động. Đồng thời, giải quyết được bài toán phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, để thay đổi tư duy, thuyết phục người mua và bán ve chai sử dụng công nghệ thời gian đầu là rất khó. “Chúng tôi phải đến các vựa ve chai, tiếp cận từng người thu mua để giới thiệu, cho người thu mua hiểu được lợi ích và cách sử dụng app. Đồng thời, cố gắng tìm và duy trì lượng đặt hàng đều đặn để giữ chân người thu mua”, anh Bảo cho biết.
Thậm chí, anh còn phải đóng vai người thu mua, hỗ trợ đồng phục, SIM điện thoại, thậm chí đóng bảo hiểm xã hội cho những người thu mua thân thiết, mở trạm thu gom nhằm phân loại và sơ chế phế liệu để việc vận chuyển đến các vựa ve chai hiệu quả hơn. Qua đó, giúp các vựa ve chai quản lý được nguồn phế liệu vào và ra rõ ràng, gia tăng doanh số.
Sau thời gian gián đoạn vì Covid-19, VECA đang hỗ trợ thu gom phế liệu ở 12 quận nội thành TP.HCM với gần 29.000 lượt tải trên Google Play Store và Apple App Store. Ngoài 40 người thu mua thường xuyên, đăng ký hoạt động trực tiếp với VECA, công ty còn có đội thu gom để đảm bảo đơn hàng không bị sót. Sau hơn 5 tháng hoạt động, VECA đã thu gom được 42 tấn phế liệu các loại (trong đó có 3 tấn vỏ hộp giấy) với 6.000 giao dịch có giá trị từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đặc biệt, VECA còn giúp xử lý các vật dụng hư hỏng, cồng kềnh để tái chế. “Thay vì tốn phí thuê người chở đi bỏ các đồ dùng hư hỏng, chỉ cần gọi VECA đến thu mua, vừa xử lý gọn, lại có thêm một khoản tiền nữa”, chị Minh Trang cho biết. App VECA cũng được nhiều phụ huynh sử dụng để tập cho con làm “kế hoạch nhỏ”, gom góp ve chai bán lấy tiền nuôi heo đất.
Đầu tư gần 2 tỷ đồng phát triển VECA, hai nhà sáng lập VECA kỳ vọng đến năm thứ ba, dự án sẽ có lợi nhuận để mở rộng hoạt động tại các tỉnh, thành khác và xây dựng VECA thành hệ sinh thái kết nối tất cả thành phần của chuỗi tái chế. Bên cạnh đó, hỗ trợ phân loại rác tại nguồn, xử lý nguồn nguyên liệu tái chế cho sản xuất, giảm thiểu việc chôn lấp rác thải nhựa nhằm cải thiện môi trường. Công ty đặt mục tiêu trong năm tới sẽ mở 10-20 trạm thu gom ở TP.HCM, gia tăng số lượng người dùng app cũng như giao dịch để thu gom được 40-100 tấn phế liệu/ngày.
Với sứ mệnh hoạt động vì môi trường, cộng đồng, VECA đã vào Top 15 startup chương trình tăng tốc khởi nghiệp NINJA Accelerator, Top 10 giải thưởng doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award 4 và đạt quán quân cuộc thi “Thử thách thành phố không rác”.
Theo: DNSG