Vốn vẫn "đổ" vào startup

Vốn vẫn "đổ" vào startup

Dù tác động từ đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, vốn đầu tư vẫn đổ về cho nhiều startup, đặc biệt là startup trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, đổi mới sáng tạo.

Làn sóng khởi nghiệp mới từ cuộc thanh lọc nhân sự của Big Tech
Thầy giáo vùng biên thu tiền tỉ mỗi năm nhờ khởi nghiệp với món me ngào bình dân
3 startup giành vé vào 100+ Accelerator
Đưa “rác” đến nông trại và bàn ăn

Tín hiệu vui

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - đồng sáng lập kiêm CEO Quỹ Do Ventures cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc tiếp cận, tìm hiểu trực tiếp giữa nhà đầu tư và các startup bị hạn chế, nên tổng vốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Song một tín hiệu vui là nửa cuối năm 2020, dù nhà đầu tư không thể đến Việt Nam, nhưng rất tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, nên nhiều vòng hạt giống (giá trị thương vụ dưới 500.000 USD) vẫn được "chốt" qua hình thức online.

Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, theo sau là Indonesia. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào Việt Nam bao gồm giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính. Từ thực tế này, Do Ventures dự báo tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt năm 2021 sẽ đạt hơn 1 tỷ USD.  

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sẽ hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 20 dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 DN tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED. Thông qua khoản tài trợ, các DN sẽ phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Đơn cử, Quỹ Hustle Fund, iSeed, Angel Central cùng các nhà đầu tư trong nước đã rót 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống cho hai nhà đồng sáng lập sách nói Fonos Xuân Nguyễn và Oscar Jesionek. Từ đầu năm 2021, startup này có mức tăng doanh thu gấp 5 lần mỗi tháng, bất chấp Covid-19. 

Trước đó, startup Genetica - công ty công nghệ chuyên về giải mã gen do Cao Anh Tuấn sáng lập đã huy động được 2,5 triệu USD trong vòng Pre-series A từ các nhà đầu tư tại Silicon Valley, như Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Genetica đang triển khai chương trình kết hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam, sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ công bố rộng rãi, góp phần vào ngân hàng dữ liệu gen của thế giới.

Hay ứng dụng SoBanHang - một ứng dụng ghi sổ cho tiểu thương tại Việt Nam, giúp cửa hàng "số hóa" cuốn sổ cái truyền thống, do hai anh em Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long phát triển cũng đã huy động thành công 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống, với sự tham gia từ các nhà đầu tư như FEBE Ventures, Class 5, Kevin P.Ryan - nhà sáng lập Gilt Groupe, Business Insider và MongoDB.

Có vốn chưa hẳn "đi được đường dài"

Mặc dù có cơ hội được rót vốn nhưng startup muốn thành công và đi được đường dài với nhà đầu tư thì cần thêm nhiều kỹ năng và kiến thức liên quan.

Từng ngồi "ghế nóng" tìm dự án khởi nghiệp tốt để đầu tư, Shark Phú cho rằng, một DN thành công cần có ba yếu tố chính. Thứ nhất, phải có mô hình kinh doanh đúng và mới. Thứ hai, sản phẩm có năng lực cạnh tranh so với những sản phẩm đã tồn tại, hoặc sản phẩm thay thế cho một sản phẩm khác có lợi ích lớn hơn cho người dùng. Thứ ba là tố chất của người lãnh đạo. Nếu có cả ba yếu tố này thì khả năng thành công gần như 100%. 

Tuy nhiên, "bệnh cố hữu" của startup là trong quản trị tài chính, hầu hết chưa thuộc các chỉ số. Shark Phú nhấn mạnh: "Startup cần phải cân đối được doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận, thậm chí phải trực tiếp ký thu chi và phải đọc sổ sách hằng ngày. Phải nhớ số liệu thì mới ra quyết định nhanh được. Còn nếu cứ lơ mơ, tiền có 5 đồng mà tiêu hết 10 đồng thì sẽ "chết" trước khi thành công".

Theo Shark Phú, chủ startup thường không nhận lương nhưng như vậy sẽ phản ánh sai lệch bức tranh tài chính, làm cho các nhà đầu tư cũng đánh giá sai về DN và chắc chắn đến giai đoạn Due Diligence (thẩm định) sẽ gây ra tranh cãi, thậm chí sẽ không nhận được vốn đầu tư. Startup phải tính tỷ suất sinh lời một cách chính xác và trung thực để đảm bảo không ngộ nhận về giá trị công ty. 

Một nhà đầu tư khuyến cáo startup: "Startup nào cũng có ước mơ nhưng để làm được điều đó thì cần phải tập trung vào thị trường và bán hàng. Startup phải chuẩn bị kỹ về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch sản sinh lợi nhuận và kế hoạch đem lại lợi tức. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng chuyển đổi số trong từng khâu quản trị DN. Phải sử dụng các phần mềm để nắm thật vững về tài chính, con số, KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc)".

Theo: DNSG

Tin xem nhiều

Sau 4 năm kinh doanh, Di Băng rất tự hào khi tự xây được cho mình biệt thự 30 tỉ và một công ty đang hoạt động rất hiệu quả....
Vừa qua, tại sự kiện công bố top 70 thí sinh xuất sắc nhất hai miền Bắc – Nam để bước vào vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, ban tổ ...
Đây là năm thứ 6, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) tổ chức trao giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng” cho các doanh nghiệp....
Hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho các bạn một câu chuyện về cách lựa chọn sản phẩm trị mụn tốt và an toàn nhất. Đồng thời, mình cũng chỉ ra những tính năn...