Xã Ga Ri (Tây Giang, Quảng Nam) nằm sát đường biên giới Việt - Lào xa xôi, cách trở. Ở đó có những chàng trai, cô gái Cơ Tu tuổi đời còn trẻ, táo bạo khởi nghiệp ngay chính trên quê nhà để giúp nhau cùng làm giàu, xây biên cương thêm xanh thắm.
Những “ông vua” nuôi bò nơi biên ải
Từ trung tâm huyện Tây Giang để lên Ga Ri phải mất hơn 4 giờ đồng hồ theo đường núi, quanh co, gập ghềnh qua nhiều vị trí sạt lở chưa khắc phục xong. Thôn Dading xanh đẹp, đầy sức sống giữa bát ngát núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Trên đường vào Dading hai bên những đàn bò sạch sẽ, bóng mượt, bụng no tròn đang nhởn nhơ gặm cỏ. Ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, một ngày có đủ 4 mùa, khí hậu quanh năm lạnh, những chú bò béo tốt khiến khách xa không khỏi ngạc nhiên.
Ông Bhling Mia, Bí thư huyện Tây Giang, nói đùa: “Nếu tổ chức thi bò đẹp, bò ở Gary đạt giải nhất chắc luôn. Dù ở núi cao nhưng bò trên này béo đẹp hơn mấy lần bò ở xuôi. Chất lượng thịt thì khỏi nói. Ở vùng biên này, có nhiều thanh niên nay đã là vua nuôi bò, giỏi có tiếng”.
“Thanh niên đồng bào ở vùng biên xa xôi đã có nhiều em được ra ngoài học hành nên suy nghĩ tiến bộ, có khát vọng, quyết tâm cao. Chúng tôi luôn nhắc nhở chính quyền, ban ngành phải luôn biết động viên, hỗ trợ tối đa để anh, chị, em khởi nghiệp làm giàu ngay chính quê nhà” - Ông Bhling Mia, Bí thư huyện Tây Giang
Trong nắng sớm, ALăng Nhàm (32 tuổi) và 4 anh em khác đang dùng chai nhựa để bón nước cho từng chú bò uống, trước khi lùa lên đồi. Cách cho bò uống nước bằng chai lần đầu thấy. Hỏi ra mới biết, ở núi cao, anh em hàng ngày phải gánh nước, dẫn nước về trang trại để cho bò uống. Trời mưa, anh em hứng nước vào từng phi to để bò uống và tắm cho bò.
“Chăm bò nhất là bò con phải kỹ càng như chăm trẻ nhỏ. Bò uống nước phải tiết kiệm. Dùng chai nhựa cho bò uống thêm nước muối nhằm bổ sung khoáng chất để bò có sức khỏe chống chọi với thời tiết khắc nghiệt”, Nhàm cho biết. Đặt tên gọi cho từng chú bò và được huấn luyện lâu thành nếp, chỉ khi anh em gọi tên thì lần lượt từng chú bò mới tiến lại hếch mõm liếm láp từng hớp nước một cách thòm thèm. Chỉ có những chú bò con, chen lấn không theo thứ tự nào. “Từ từ mấy bò con cũng sẽ quen. Ngoài nguồn thức ăn, để bò béo khỏe, anh em phải chia nhau chăm sóc từ nước uống đến chải lông, diệt ve, tắm rửa cho bò”, Blong Lá đứng bên nói.
Cor Thị Nghệ với nông sản của bà con được sấy khô, đóng gói cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Thành |
Năm 2015, nhóm thanh niên cùng độ tuổi ở Dading mạnh dạn vay ngân hàng để góp vốn nuôi bò quy mô, bài bản. Một việc mà trước đó chưa ai nghĩ tới. Số tiền hơn 130 triệu vay được, anh em mua hơn 10 con bò. Vốn còn lại dùng để đầu tư làm chuồng, trại kiên cố, giăng thép gai quanh đồi để bò không đi vào rừng, thất lạc. Đến nay đàn bò của 5 anh em đã hơn 30 con bò trưởng thành, cùng hơn chục chú bò con, bò mới đẻ. Hàng năm, anh em bán rải bò để trả nợ ngân hàng, đến nay bước đầu cả 5 chàng trai đã có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình nhờ nuôi bò.
Nhàm chia sẻ: Nuôi bò ở núi, cỏ không thiếu nhưng lo nhất là thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá. Bắt tay vào, anh em phải tìm hiểu cách làm chuồng trại, chăm sóc để phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng. Rồi phải tính toán chi phí, kết nối đầu ra để tiêu thụ khi cần. Dần dần anh em có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và cung ứng.
ALăng Nhàm lần lượt cho từng chú bò uống nước muối mỗi sớm mai. Ảnh: Nguyễn Thành |
Gia đình anh Blong Môi (40 tuổi), nhà cửa khang trang đầy đủ tiện nghi nhờ 6 năm qua tham gia nuôi bò tập thể cùng anh em. Anh Môi phấn khởi khoe, cậu con trai đầu vừa đậu Đại học Nha Trang, con thứ 2 xuống huyện học bán trú. Tiền ăn học các con nhờ trồng trọt và nguồn thu từ nuôi bò. Hai năm trước, đàn bò của anh bị sét đánh chết 7 con nhưng anh nói như thường: “Không ảnh hưởng gì. Bò giống đẻ bù lại rồi, nay đàn đã ổn định”.
Quyết không để cái nghèo quanh quẩn mãi
Cá tính mạnh mẽ, nói năng dứt khoát là ấn tượng khi lần đầu tiên gặp Cor Thị Nghệ (32 tuổi, thôn Ating) bên gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản ngay trên đường lên trung tâm xã Ga Ri. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch do Nghệ khởi xướng thành lập đã thu hút được hơn 20 chị em thôn Ating và lân cận cùng tham gia.
Sinh ra trong gia đình có tới 7 chị em gái, sớm mồ côi cha, mẹ mù loà, tàn tật, Nghệ bộc bạch: “Chính hoàn cảnh gia đình đã rèn cho em tính cách mạnh mẽ để vượt qua số phận”. Từ bé, Nghệ đã quyết tâm ăn học để thay đổi cuộc đời. Nghệ thi đậu vào trường Cao đẳng Quảng Nam, chuyên ngành Sư phạm tiểu học. Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình, ra trường Nghệ không thể theo đuổi ước mơ thành giáo viên. Để có tiền nuôi mẹ già, nuôi các em ăn học, Nghệ phải bươn chải ngược xuôi buôn bán.
Ngược xuôi gồng gánh buôn bán nuôi gia đình, nhiều câu hỏi nảy sinh trong đầu cô gái bản lĩnh: Tại sao vùng Ga Ri nhiều nông sản quý, ngon không thể đến với người tiêu dùng dưới xuôi đang rất thèm thuồng? Tại sao dân mình vẫn cứ nghèo mãi? Tại sao nhắc đến Ga Ri là người ta nói ngay đến xã nghèo, dân nghèo?... “Trước xa xôi, cách trở có thể giải thích được cho cái nghèo. Nhưng nay đường sá thuận lợi hơn rồi, không thể cứ để cái “mác” nghèo gắn liền với bà con, dân làng mình mãi”, Nghệ nói.
Nghĩ là làm, năm 2021, Nghệ vận động 2 chị em trong nhà rồi cùng vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng để lập HTX thu mua, chế biến nông sản sạch của núi rừng. Rồi đứng ra kêu gọi chị em trong thôn, xã cũng tham gia.
HTX thành lập đứng ra thu mua hàng tấn nông sản, dược liệu giúp bà con có thu nhập. Nghệ tiếp tục đầu tư 250 triệu để mua, vận chuyển máy sấy công suất 2 tấn/ngày lên Ga Ri. Để có điện 3 pha vận hành máy, cô phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng để kéo đường dây. Được hội phụ nữ huyện hỗ trợ máy đóng gói, sản phẩm đóng gói của HTX ra đời và được tiêu thụ. Mới đây, tại hội chợ nông sản ở Đà Nẵng, mặt hàng táo mèo, măng rừng, nấm ngọc cẩu, tiêu rừng... được sấy khô đóng gói thu hút khách mua trong niềm vui chung của mọi người. Hiện, Nghệ đang cùng chị em HTX đang hợp sức phát cỏ trên diện tích hàng chục hecta ở Ga Ri để làm mô hình trồng chuối, dứa mật (dứa rừng) quy mô, cung ứng lâu dài liên tục cho miền xuôi.
Chuyện trò, nhắc lại quãng đời sinh viên và ước mơ dang dở, Nghệ đúc kết: “Bước ra ngoài học tập giúp em mở thêm tầm nhìn, thêm bản lĩnh và những mối quan hệ, kết nối bạn bè. Ước mơ dang dở nhưng vốn sống là thứ quý nhất em mang trở về. Giúp đỡ bà con, dân làng sớm thoát nghèo là một niềm hạnh phúc. Bởi suy cho cùng, làm gì đi chăng nữa, quan trọng nhất là giúp đỡ được mọi người”.
Theo: tienphong